Buông lỏng quản lý buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm

Thứ Hai, 15/10/2012, 12:08
Chính vì sự thiếu quyết liệt của các địa phương, dẫn đến thực trạng, ở khu vực các tỉnh phía Bắc, chỉ 8% lượng GSGC giết mổ được kiểm soát, còn lại 92% bị buông lỏng về VSATTP, về dịch bệnh. Ngay ở Hà Nội, mặc dù đã có 18 cơ sởgiết mổ GSGC tập trung, đảm bảo các điền kiện VSATTP tuy nhiên, các cơ sở này cũng hoạt động cầm chừng...

Thực trạng giết mổ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đặc biệt ở các TP lớn đã đến lúc cần phải báo động đỏ khi ngày càng xuất hiện nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi các tỉnh phía Nam đã kiểm soát được gần 90% lượng gia súc, gia cầm (GSGC) qua giết mổ, thì ngay tại Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, giết mổ nhỏ lẻ thủ công lại lấn lướt, kéo theo đó là nguy cơ dịch bệnh lan tràn.

Tràn lan vi phạm

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ở các tỉnh phía Bắc, chỉ có 8% GSGC được kiểm soát. 92% còn lại, gia súc và gia cầm gần như “tự do” từ chuồng ra chợ, vào mâm cơm người tiêu dùng mà không được kiểm dịch. Cả nước có tới hơn 28.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó riêng tại 12 tỉnh, thành phía Bắc đã có tới hơn 11.000 điểm. Trong cuộc họp về ATVSTP mới đây với Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận định, công tác quy hoạch giết mổ tại các tỉnh phía Bắc làm rất chậm. “GSGC giết mổ vi phạm công khai, vận chuyển vi phạm công khai và bày bán ở chợ chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo VSATTP cũng công khai nhưng không bị xử lý. Công khai vi phạm bền vững”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chỉ tính riêng trong 3 tuần đầu của tháng 9, trung bình mỗi ngày có từ 15-18 tấn “gà trọc đầu” thải nhập lậu từ Trung Quốc về chợ Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội). Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, chợ Hà Vĩ là nơi tiêu thụ, nhưng điểm tập kết gà lậu về các đầu nậu, sau đó hợp thức hóa giấy tờ thú y là ở Hưng Yên, Thái Bình. Việc nhập lậu chủ yếu qua Móng Cái, Quảng Ninh chiếm tới 90%. Ngoài ra, còn có ở chợ giống Quảng Uyên, Cao Bằng, địa bàn tiêu thụ là Bắc Giang và Hà Nội.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở một số nơi buông lỏng quản lý, chưa tổ chức chỉ đạo quyết liệt, xử lý các trường hợp vi phạm. Do vậy, tư thương đã lợi dụng, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm lậu, chết, bị bệnh làm lây lan dịch bệnh động vật và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tại nhiều tỉnh, thành còn tồn tại phổ biến hình thức giết mổ lưu động. Giết mổ ngay cạnh sông, xả trực tiếp chất thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và sử dụng ngay nước sông đó để rửa thịt trong quá trình giết mổ.

Giết mổ thủ công tràn lan mất ATVSTP, ô nhiễm môi trường.

Hà Nội phải mẫu mực trong tiêu thụ GSGC an toàn

Ngay cả khâu vận chuyển sau giết mổ, các tỉnh phía Bắc cũng không thực hiện được việc bao gói. Việc triển khai các đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm ở nhiều tỉnh, thành, kể cả Hà Nội đều đang trong tình trạng quy hoạch treo.

Chính vì sự thiếu quyết liệt của các địa phương, dẫn đến thực trạng, ở khu vực các tỉnh phía Bắc, chỉ 8% lượng GSGC giết mổ được kiểm soát, còn lại 92% bị buông lỏng về VSATTP, về dịch bệnh. Ngay ở Hà Nội, mặc dù đã có 18 cơ sởgiết mổ GSGC tập trung, đảm bảo các điền kiện VSATTP.Tuy nhiên, các cơ sở này cũng hoạt động cầm chừng, chủ yếu cung cấp thịt cho một số siêu thị, nhà hàng và bếp ăn tập thể, hoặc ngừng hoạt động.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, TP hiện có hơn 3.000 điểm, hộ giết mổ GSGC nằm rải rác trong khu dân cư tham gia giết mổ theo mùa vụ và thực hiện giết mổ ngay tại hộ gia đình. Trong đó, chỉ có 458/3.000 hộ, điểm giết mổ có thú y kiểm soát. Còn lại, rất khó kiểm soát do phân tán nhỏ lẻ trong khu dân cư. Ngoài ra, toàn TP hiện có hơn 1.000 chợ lớn nhỏ có hoạt động kinh doanh sản phẩm GSGC (chưa bao gồm chợ cóc, chợ tạm).

Trong khi, có khoảng 11 tỉnh, thành đang cung cấp GSGC cho thị trường Hà Nội thì tỷ lệ GSGC có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ từ các tỉnh vào Hà Nội còn thấp.

Việc tồn tại ở ngay Thủ đô một chợ gia cầm lớn với phần lớn là gia cầm nhập lậu không thể đổ lỗi cho khách quan mà đây chính là sự yếu kém trong công tác quản lý buôn bán, giết mổ GSGC.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị UBND TP Hà Nội, Bộ Công Thương và Bộ Công an xây dựng phương án kiểm soát, không cho phép buôn bán gia cầm không nguồn gốc, xuất xứ tại chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc - Hà Vĩ. Cuối tháng 11/2012, Hà Nội và các Bộ, ngành phải có phương án, coi đây là dự án trọng điểm của Hà Nội trong thời gian trước mắt.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, đến năm 2015, Hà Nội phải kiểm soát được 75% GSGC tại các điểm giết mổ. “Chính phủ đề nghị, trong năm 2013, Hà Nội phải xong quy chế phối hợp với 11 tỉnh lân cận trong việc cung cấp, vận chuyển GSGC; Bộ NN&PTNT, Công Thương, Y tế và Công an phải hoàn thiện Thông tư liên tịch. Hà Nội phải mẫu mực trong việc tiêu thụ thịt GSGC an toàn, phải tạo niềm tin cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh

Chi Linh
.
.
.