Buôn sừng tê giác từ Hà Tĩnh về Thủ đô

Thứ Tư, 11/06/2008, 11:21
Tại nơi Báu tá túc ở Hà Nội, lực lượng chức năng thu giữ 1 sừng tê giác dài khoảng 24cm, 1 đầu to, một đầu nhỏ, sơ bộ nặng 1.270 gam, đường kính đầu to 13cm và một miếng sừng tê giác nặng khoảng 64 gam; 1 cân tiểu ly điện tử; 2 ĐTDĐ. Báu khai nhận, mua số sừng tê giác trên tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh).

>> Vận chuyển trái phép 5 sừng tê giác từ Nam Phi về VN

Ngày 10/6, CQĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) và Phòng 2 - Cục Cảnh sát môi trường đã đem mẫu sừng tê giác vừa thu giữ tại địa bàn chiều 9/6 đến Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam để giám định.

Sơ bộ, cơ quan chức năng xác định đây là sừng tê giác, thuộc nhóm 1B, động vật hoang dã quý hiếm. Như vậy, chủ số hàng trên có thể bị xử lý hình sự theo Điều 190: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Cách thời điểm phá án khoảng 1 tháng, các cán bộ, chiến sỹ Đội 3 - Phòng 2 Cục Cảnh sát môi trường đã nhiều ngày ăn chực, nằm chờ tại địa bàn cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và một số tỉnh miền Trung.

Sau khi đã xác minh về đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm và sản phẩm động vật hoang dã từ miền Trung ra các tỉnh miền Bắc, Phòng 2 đã báo cáo Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường xin ý kiến chỉ đạo.

Quá trình xác minh cho thấy, đối tượng hoạt động buôn bán, vận chuyển hoạt động hết sức tinh vi, có nhiều thủ đoạn che giấu hàng. Phương án triệt xoá đường dây đã được Đội 3 - Phòng 2 lên kế hoạch tỉ mỉ.

Trong quá trình "nằm vùng", tổ công tác phát hiện đối tượng nghi vấn thường đi lại nhiều ở khu vực cửa khẩu Cầu Treo là Nguyễn Văn Báu, 36 tuổi, trú tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Cả gia đình Báu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nuôi 3 đứa con, thế nhưng, thời gian gần đây, Báu thường xuyên đi lại nhiều nơi, từ cửa khẩu Cầu Treo cho tới Hà Nội. Nhà làm nông nghiệp nhưng Báu sắm tới 2 ĐTDĐ để liên lạc và mua cả cân tiểu ly điện tử.

Điều 190, khoản 1 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đi đến đâu, hành lý mang theo cũng chỉ là vài bộ quần áo đựng trong chiếc cặp đen cũ nhưng chẳng khi nào Báu rời chiếc cặp. Kể cả lúc đi ăn cơm, lúc đi ngủ, Báu cũng thường ôm khư khư chiếc cặp.

Nhận định, có thể Báu chính là một mắt xích trong đường dây buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, tổ công tác đã bám sát hành tung của Báu. Trước đó, tổ công tác đã phát hiện Báu thường đi Hà Tĩnh.

Trưa ngày 9/6, Báu bắt xe khách từ nhà ra Hà Nội. Lần này, Báu vẫn mang theo chiếc cặp đen và ôm khư khư suốt dọc đường. Cuối giờ trưa cùng ngày, Báu xuống bến xe, đi thẳng về nhà một người quen ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tá túc.

Khoảng 13h30 ngày 9/6, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Lương Minh Thảo, tổ công tác Đội 3, Phòng 2 đã phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (Công an quận Hoàng Mai) bất ngờ ập vào kiểm tra ngôi nhà nơi Báu đang tá túc. Tại tầng 1 của ngôi nhà, Báu đang mang chiếc sừng tê giác ra mài thử cho khách xem. Thấy động, đối tượng mua hàng nhanh chân tẩu thoát.

Các cơ quan chức năng đã thu giữ tại chỗ 1 sừng tê giác dài khoảng 24cm, 1 đầu to, một đầu nhỏ, sơ bộ nặng 1.270 gam, đường kính đầu to 13cm và một miếng sừng tê giác nặng khoảng 64 gam; 1 cân tiểu ly điện tử; hai máy điện thoại di động.

Bước đầu, Báu khai nhận, mua số sừng tê giác trên tại cửa khẩu Cầu Treo của một người không quen biết. Báu đã liên hệ với một người tên là Hải ở Hà Nội.

Hiện vụ việc đã được Phòng 2 Cục Cảnh sát môi trường giao cho Công an quận Hoàng Mai thụ lý, tiếp tục điều tra, giải quyết theo thẩm quyền

Anh Hiếu
.
.
.