Buôn lậu xăng dầu khu vực biên giới Tây Nam hạ nhiệt

Thứ Tư, 06/04/2011, 14:48
Sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cuối tháng 3 vừa qua đã kéo giảm đáng kể sự chênh lệch với giá xăng dầu phía bạn Campuchia nhưng ý thức chấp hành pháp luật của không ít chủ cây xăng và đối tượng buôn lậu vẫn là chuyện đáng ngại. Nhiều địa phương vùng biên giới Tây Nam dự báo tuy đã hạ nhiệt nhưng diễn biến buôn lậu xăng dầu vẫn còn phức tạp, không được lơ là, chủ quan và buông lỏng...

Diễn biến tâm lý của không ít người dân tại một vài địa phương trong mấy ngày qua cho thấy sự lo ngại về việc giá xăng dầu tiếp tục bị điều chỉnh.

Thực trạng vẫn đáng ngại

Tại tỉnh Kiên Giang - tỉnh biên giới nằm tận cùng trên bộ và biển phía Nam của nước ta giáp với Campuchia, theo ghi nhận của PV Báo CAND, sau thời điểm Bộ Tài chính công bố tăng giá xăng, dầu thêm từ 2.000 - 2.800đ/lít tối 29/3, tình trạng khan hiếm xăng dầu đã không còn. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu cá vẫn tức anh ách trước thái độ kinh doanh của nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Qua điện thoại, nhiều chủ tàu đánh cá ở Phú Quốc vào chiều 5/4 cho tôi biết, sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh, nhiều chủ cây xăng mạnh miệng tuyên bố giọng rất tốt bụng rằng "Bây giờ muốn mua bao nhiêu chúng tôi cũng có". Đây là thái độ rất khác so với trước ngày 29/3, xăng còn trong bồn nhưng vẫn cố tình bán nhỏ giọt. Người tiêu dùng Kiên Giang, nhất là những chủ tàu, ngư dân vẫn bức xúc khi tình trạng cố tình găm hàng, bán nhỏ giọt chỉ trong thời gian ngắn đã diễn ra công khai đến 2 lần.

Tuy không còn rầm rộ nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn tiếp tục vận chuyển xăng dầu sang biên giới để kiếm lời. Ảnh chụp tại khu vực gần Cửa khẩu Vinh Bà, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp.

Thực tế này chính ông Lữ Minh Hải - Chi cục trưởng QLTT tỉnh cũng đã thừa nhận: Lực lượng chức năng chưa chủ động được trong việc bình ổn thị trường xăng dầu. Trong khi đó, việc kết luận các cửa hàng xăng dầu có găm hàng chờ giá hay không là điều không đơn giản.

Tại tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo UBND huyện biên giới Hồng Ngự cho biết, dù đã được điều chỉnh tăng nhưng giá xăng, dầu trong nước hiện vẫn còn thấp hơn thị trường Campuchia từ 2.000-3.000 đồng/lít.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới, cũng như góp phần bình ổn thị trường, liên tiếp nhiều ngày qua, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Hồng Ngự đã phối hợp Đội QLTT số 3 ra quân kiểm tra tình hình mua bán xăng, dầu ở các xã biên giới như Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1 và xã lân cận biên giới là Thường Phước 2.

Qua kiểm tra 7 DNTN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn các xã trên, cho thấy, các cây xăng hoạt động bình thường, đảm bảo lượng xăng, dầu phục vụ cho người dân. Thế nhưng, việc chấp hành chủ trương của UBND huyện (bán xăng, dầu với số lượng nhiều phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương) thì đa số các DN chưa chấp hành nghiêm túc, mà vẫn còn buôn bán tràn lan...

Trong khi đó, tại Long An - địa phương có 5 huyện biên giới, với tổng chiều dài biên giới lên đến gần 140km, công tác quản lý hoạt động kinh doanh mặt hàng xăng dầu cũng rất cam go, vất vả. Báo cáo tình hình, kết quả chống xuất lậu xăng dầu trên địa bàn tỉnh quý I-2011, Thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh nhận định: Tình hình xuất lậu xăng dầu qua biên giới trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp.

Hiện trên địa bàn tỉnh Long An có 35 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gần biên giới (xã biên giới), trong đó, một số địa bàn có tình hình xuất lậu xăng dầu phức tạp như: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ.

Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới, nhưng do địa bàn rộng, phức tạp nên kết quả bắt, xử lý tịch thu của các lực lượng chức năng đạt chưa cao so với số lượng xăng dầu xuất lậu qua biên giới (cả quý I-2011, các lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới Long An đã kiểm tra phát hiện 9 vụ xuất lậu xăng dầu, thu giữ: 6.360 lít xăng, dầu).

Không được chủ quan

Một ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh, ông Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 127 tỉnh Đồng Tháp đã ban hành  yêu cầu các sở, ngành: Công Thương, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục QTTT, UBND huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự tăng cường quản lý và chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới.

Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng, dầu có cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn phải mở cửa bán hàng đủ thời gian, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tại địa phương.

Chi cục QLTT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo 127/ĐP tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về giá, đo lường, chất lượng, đầu cơ, găm hàng, buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại khác. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đưa tin thất thiệt, đóng cửa hàng…; kể cả tiến hành tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật

Binh Huyền
.
.
.