Buôn lậu phế liệu qua tuyến biên giới Tây Nam có chiều hướng phức tạp

Thứ Hai, 26/11/2018, 07:57
Kể từ sau ngày 1-10-2018, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu, tình hình buôn lậu phế liệu qua tuyến biên giới Campuchia - Việt Nam diễn biến phức tạp hơn. 

Tại tuyến biên giới tỉnh An Giang, một số kho đường được đối tượng buôn lậu chuyển thành kho phế liệu. Các chủ kho này đã mua máy ép về đóng thành cục, chờ đợi thời cơ thuận lợi để đưa phế liệu về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt, lợi dụng mùa nước nổi, các đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện thủy có trọng tải lớn để vận chuyển qua biên giới. 

Phế liệu ở đây rất đa dạng, ngoài giấy cũ còn có vỏ lon bia, nước ngọt, các loại sắt vụn… Thời gian gần đây, các Chi cục Hải quan ở khu vực biên giới đã bắt được nhiều vụ buôn lậu phế liệu từ Campuchia vào Việt Nam.

Tang vật do cơ quan chức năng tỉnh An Giang phát hiện, thu giữ.

Trao đổi với PV, bà Trần Ngọc Phượng – Phó trưởng Phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, sở dĩ tình hình buôn lậu phế liệu qua tuyến biên giới Tây Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng ngày càng gia tăng do phía Campuchia nguồn hàng này rất lớn, tuy nhiên lại không có nhà máy sản xuất, tái chế. 

Trong khi đó, ở Việt Nam nhu cầu về phế liệu trong nước vẫn đang còn rất cao, chênh lệch giá thành từ đó dẫn đến các đầu nậu, đối tượng buôn lậu dùng mọi cách để tuồn hàng vào Việt Nam. Điển hình, vào tối 18-10, trong quá trình tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên sông Châu Đốc (đoạn thuộc ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang), Tổ công tác phối hợp giữa Đội Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm Bội đội Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng Vĩnh Hội Đông đã phát hiện một ghe gỗ chở phế liệu gồm vỏ lon bia, nước ngọt được ép thành khối để mang đi tiêu thụ. 

Toàn bộ tang vật không có chứng từ hợp pháp, tổng trị giá hàng hóa gần 300 triệu đồng. Cũng trong ngày, trên tuyến kênh 13 (thuộc địa bàn ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú), Đội Kiểm soát Hải quan Cục Hải quan tỉnh An Giang phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông bắt giữ ghe sắt BKS SG-8221 có hành vi vận chuyển giấy phế liệu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tang vật vi phạm 103 tấn giấy phế liệu, trị giá trên 500 triệu đồng.

Khuya 22-10, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gác kiểm soát tại Trạm Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, Tổ công tác của trạm tiếp tục phát hiện một ghe gỗ BKS VL-13689 từ hướng Campuchia về Việt Nam, trên ghe chở trên 25 tấn sắt phế liệu, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng, không có chứng từ hợp pháp. 

Qua làm việc với 2 đối tượng có mặt trên ghe, người điều khiển là Nguyễn Văn Phát (64 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thu Vân (52 tuổi, chủ phương tiện), thừa nhận sắt thép phế liệu trên ghe có nguồn gốc từ Campuchia, hàng được nhận từ Dung Dương (Campuchia) sau đó được giao cho một người tên Hai (chưa rõ lai lịch) tại Lấp Vò (Đồng Tháp). Cả 3 vụ việc được chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an huyện An Phú tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bà Trần Ngọc Phượng cho biết thêm, phần lớn phế liệu nhập vào Việt Nam được tập kết tại các kho của cơ sở kinh doanh phế liệu trước khi chuyển về các cơ sở sản xuất, tái chế. Và sau khi đưa phế liệu trót lọt vào trong nội địa, các cơ sở này nhanh chóng hợp thức hóa chứng từ, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc và xuất hóa đơn theo quy định nên công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. 

“Việc xử lý tang vật cũng là một khó khăn lớn. Các phương tiện vận tải phế liệu có tải trọng rất lớn từ vài chục tấn đến trên trăm tấn… do đó khi phát hiện, bắt giữ, cơ quan chức năng phải thuê kho bãi chứa hàng, kiểm đếm bằng phương pháp thủ công, chạy đua với thời gian để kịp thời gian quy định” - bà Phượng cho biết. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhận định, tình hình buôn lậu mặt hàng phế liệu đang có chiều hướng phức tạp. Vì thế, tỉnh An Giang đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố biên giới, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, thanh tra, kiểm tra các kho, bãi mua bán, chứa phế liệu, đặc biệt là khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng nhập lậu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trần Lĩnh
.
.
.