Buôn lậu giáp Tết: Lách trên bộ, né dưới nước

Thứ Tư, 10/12/2008, 09:29
Lực lượng liên quân khá hùng hậu cùng các kế hoạch, phương án đã thực sự "lên cót" ngay từ tháng 11 từ trên bộ đến dưới biển nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ "nắn gân" những đối tượng hám lợi vào vụ gặt hái và vấn nạn buôn lậu vẫn bùng phát có tính quy luật mỗi dịp cuối năm.

Trên bộ: Hở cánh, hở luật

"Về lực lượng, phương án, chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu Bộ có lệnh điều động, tăng cường cho Công an địa phương trong đợt cao điểm chống buôn lậu giáp Tết Kỷ Sửu thì chúng tôi đã rất chủ động" - Đại tá Doãn Anh Tụ, Phó Cục trưởng C22 khẳng định tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát cơ động.

Vào dịp Tết Mậu Tý, lực lượng thuộc C22 từng cắm chốt tại các điểm nóng buôn lậu ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, cùng lực lượng chức năng địa phương tạo thế gọng kìm xử lý có hiệu quả. Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ cho biết, Cục đã có kế hoạch chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và CSKT Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại.

Tới đây, các đoàn kiểm tra của Cục sẽ trực tiếp nắm tình hình, làm việc tại những địa phương trọng điểm, đánh giá những vướng mắc trong phối hợp liên ngành. Thượng tá Lưu Tiến Sáng cho rằng, năm nay, Cục chủ yếu kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện kế hoạch và xử lý vi phạm, chỉ tăng cường lực lượng hỗ trợ trong những vụ việc cần thiết.

Nạn buôn lậu "vào vụ" từ tháng 11 và bùng nổ cao điểm trong tháng 12, đầu tháng 1/2009. Tổng cục Cảnh sát nhận định: buôn lậu tiếp tục phức tạp cả trên bộ và trên biển. Trên bộ, tuyến Đông Bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, các đối tượng buôn lậu triệt để khai thác địa thế cánh gà giữa Việt Nam - Trung Quốc; tuyến Tây Nam, nhất là các tỉnh Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, hàng lậu chuyển từ Thái Lan, qua Campuchia xâm nhập nội địa; tuyến miền Trung, tập trung chủ yếu ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Tại Lạng Sơn, từ đầu tháng 11 tới nay, có ngày cả nghìn người mang vác hàng hóa từ Trung Quốc vượt biên giới.

Đáng chú ý, theo Quyết định số 254 của Thủ tướng Chính phủ, người dân được miễn thuế khi mua hàng hóa đến 2 triệu đồng nên các đầu nậu tận dụng tối đa nguồn cửu vạn tại chỗ thu gom hàng hóa. Các vùng nóng như Hang Dơi, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn (Văn Lãng), Cò Luồng, Bãi Giang (Cao Lộc) các tuyến đường tới Đồng Đăng, khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma... thường xảy ra các vụ chống trả lực lượng chức năng, cướp lại hàng (năm 2008, Hải quan tỉnh Lạng Sơn xử lý 365 vụ, tổng trị giá hàng vi phạm 9,2 tỷ đồng).

Tại Quảng Ninh, ngoài thực phẩm chứa hóa chất bảo quản, nóng bỏng vẫn là hành vi nhập lậu pháo nổ và xuất lậu than. Công an Quảng Ninh chia các mũi tăng cường các tuyến trọng điểm song lực lượng vẫn quá mỏng. Trong khi đó, vấn nạn xuất lậu than "né" dưới nhiều thủ đoạn.

Từ đầu năm tới nay, Công an Quảng Ninh khởi tố 33 vụ, 160 bị can liên quan đến khai thác, tiêu thụ than trái phép, thu giữ 263 nghìn tấn than...  Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh thừa nhận: Hiện hoạt động xuất khẩu than tiểu ngạch tạm dừng nhưng các hoạt động tiêu thụ nội địa còn nhiều bất cập, dễ nảy sinh vi phạm và tiêu cực. 

Trong khi đó, tại khu vực Tây Nam, giáp Tết là dịp vào vụ của cư dân giáp biên giới Campuchia. Tổng cục Cảnh sát cho rằng, nhiều khu vực biên giới Tây Nam, hoạt động buôn lậu diễn ra sôi động nhưng lực lượng tuần tra lại quá mỏng. Hàng hóa nhập lậu theo hành trình An Giang, Kiên Giang - Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh là tuyến "truyền thống", chưa kể việc vận chuyển bằng ghe qua các nhánh sông xuyên biên giới.

Tuyến biên giới miền Trung, nổi lên là Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh) tuy không phức tạp bằng 2 khu vực trên nhưng lượng hàng lậu nhập về vẫn khá lớn.

Tuyến biển: Né sóng, né Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển

Hai lực lượng chống buôn lậu chủ yếu tuyến biển là Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển. Tại vùng biển Quảng Ninh, các đối tượng buôn lậu lợi dụng bờ biển dài, nhiều đảo, lực lượng chống buôn lậu mỏng, chúng thuê tàu có trọng tải và công suất lớn chở than sang Trung Quốc tới các cảng Giang Bình, Kỳ Xá, Phòng Thành, sau đó lại chở hàng lậu đi vào vùng giáp ranh để tránh sự kiểm tra, kiểm soát.

Khi vượt qua đoạn biển này, tàu chở hàng lậu sẽ đi thẳng vào khu vực miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tiêu thụ. Một số đối tượng sử dụng tàu đánh bắt hải sản để vượt biên trái phép sang Trung Quốc, vận chuyển hàng lậu về nội địa, nhất là khu vực biển Móng Cái, đảo Trần, đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, chở các loại hàng gồm quần áo, gạch men, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh...  Trong khi đó, khu vực biển Tây Nam, chủ yếu vùng Kiên Giang, các tàu chở hàng lậu vòng vèo qua nhiều trạm kiểm soát vẫn nóng bỏng.

Được biết, việc quy định một số doanh nghiệp trong nước được làm dịch vụ tạm nhập, tái xuất một số mặt hàng là phù hợp xu thế hiện nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách này tổ chức đưa hàng hóa quay ngược lại thị trường trong nước, sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh nhằm hưởng lợi gây khó khăn cho kiểm soát.

Đại tá Trần Hữu Khoan, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng 1 cho hay, từ cuối tháng 11 tới nay, các hải đội của vùng đã triển khai kế hoạch tuần tra cao điểm từ vùng biển Móng Cái tới Quảng Trị. Mới đây, tàu Cảnh sát biển bắt giữ 4 tàu xuất lậu than, 1 tàu chở dầu, 1 tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta. Các tàu chở hàng lậu lợi dụng điều kiện sóng to cấp 6, cấp 7, khi phát hiện tàu Cảnh sát biển thì chạy lòng vòng, kể cả dùng thủ đoạn chống đối.

"Khung xử lý hành chính của Cục là 500 triệu đồng, của vùng là 200 triệu. Những tàu vi phạm nghiêm trọng như vừa rồi, chúng tôi đã lai dắt vào bờ, xử lý ở khung cao nhất và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm" - Đại tá Khoan nói

Đ.Trường
.
.
.