Buôn bán chợ quê, đánh thuế cao ngất ngưởng

Thứ Tư, 12/04/2006, 15:00

Càng xin miễn giảm thì thuế càng lên cao. Dân không đóng nổi xin nghỉ bán chẳng những không được chấp nhận mà còn bị cộng dồn thuế trong thời gian nghỉ. Người nợ thuế thì bị cưỡng chế, xiết tài sản để trừ.

Âp 7, xã Lương Hòa là một địa bàn vùng sâu của huyện Bến Lức, Long An cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do là vùng sâu nên người dân ở đây hình thành một cái chợ "chồm hổm" cặp theo bờ kênh để trao đổi hàng hóa. Chợ chỉ đông đúc vào hai ngày cuối tuần nhờ vào bà con giáo dân đi nhà thờ Lương Hòa Hạ. Năm ngày còn lại trong tuần thì chợ trống vắng, người bán nhiều hơn người mua. Vậy mà thuế đánh vào những người buôn bán nhỏ ở đây không ngừng tăng, có người đóng ngang bằng chợ huyện, thậm chí bằng cả chợ tỉnh.

Một sạp thịt lợn lèo tèo, ế ẩm tại chợ này có mức thuế thấp nhất là 1,2 triệu đồng/tháng, cá biệt có sạp lên đến 3,1 triệu đồng tháng, như trường hợp của bà Trần Thị Mỹ Dung. Bà Dung cho biết, với mức thuế này bà không thể sống nổi, vì mở mắt ra là bà phải mất 100.000 đồng, đó là chưa tính thuế môn bài và các khoản phí khác. Trong khi đó, tiền lãi ngày nào cao nhất cũng không quá số tiền phải nộp thuế. Nếu ngành Thuế không xem xét lại thì có nhiều khả năng phải nghỉ bán hoặc chấp nhận nợ thuế dây dưa như nhiều bà con khác ở chợ này.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ sạp thịt cuối chợ, việc người dân vay nóng để nộp thuế là chuyện hàng ngày. Do tiền lời không đủ nộp thuế nên bà thường xuyên nợ thuế, cứ vài tháng cán bộ thuế đến bảo phải nộp và dọa cưỡng chế, buộc bà phải chạy tiền để nộp, nhưng chỉ bằng 60 hoặc 70% số thuế phải nộp. Vì vậy, số tiền nộp thuế bị chuyển thành tiền phạt vì nộp thuế chậm. Cuối năm ngoái, bà phải vay và nộp cho đội thuế 26 triệu đồng nhưng vẫn còn nợ trên 8 triệu đồng.

Những người bán hàng tạp hóa, rau cải, nước giải khát cũng kêu tiền nộp thuế cao hơn tiền lãi hàng ngày của họ. Càng kêu thuế càng lên, càng bị phạt vạ do nộp chậm. Chẳng hạn tiệm tạp hóa của bà Nguyễn Thị Bé trước đây chỉ đóng thuế vài trăm nghìn đồng, kêu riết bị tăng lên 1 triệu đồng/tháng, trong khi đó, ngày nào bán đắt hàng, bà chỉ cũng chỉ kiếm được tối đa là 40.000 đồng tiền lãi, còn bình quân lúc nào cũng dưới 30.000 đồng. Mới đây, do nộp thuế chậm mấy ngày, bà bị đội thuế phạt 87.394 đồng.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Ngô Tấn Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa thừa nhận việc người dân ở chợ "chồm hổm" kêu thuế cao là có cơ sở vì sức mua ở đây rất thấp. UBND xã nhiều lần kiến nghị ngành Thuế xem xét miễn, giảm cho một số đối tượng, nhất là đối với những trường hợp hành nghề bằng sức lao động của mình, có thu nhập thấp, nhưng không có phản hồi. So với năm 2005, chỉ tiêu thu ngân sách của xã Lương Hòa tăng 33%. Có nhiều khả năng năm 2006, xã Lương Hòa không đạt chỉ tiêu vì ngày càng có nhiều người làm đơn xin nghỉ kinh doanh vì thuế quá cao.

Theo những người mua bán nhỏ ở chợ "chồm hổm", trong vòng 3 năm trở lại đây, mọi tiếng kêu về thuế cao, không hợp lý đều bị rơi vào... khoảng không. Ngay cả lúc người làm đơn nghỉ bán vẫn bị tính thuế vì đơn của họ không được cán bộ thuế chấp nhận.

Nói đến việc bị cưỡng chế, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng, đó là điều đáng sợ nhất trong đời mình. Sau khi lập gia đình, chị Thảo kiếm sống bằng nghề cắt tóc, làm móng tay tại nhà. Mới ra nghề được mấy hôm thì cán bộ thuế đến cho biết phải đóng thuế môn bài mỗi năm là 300.000 đồng, đồng thời phải thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng là 168.500 đồng.

Ở chợ quê, cái nghề của chị không phải dễ kiếm sống, do đó chị làm đơn đến UBND xã Lương Hòa xin chỉ nộp thuế môn bài, không nộp các khoản thuế khác vì thu nhập rất thấp, mỗi tháng chưa đến 500.000 đồng.

Lúc đầu, Chủ tịch UBND xã nhận đơn, hứa xem xét giải quyết, nhưng mấy tháng sau đó lại chính ông mời chị lên xã bảo phải nộp thuế vì ngành Thuế không chịu giải quyết. Ngay sau đó, cán bộ thuế báo cho chị biết số tiền phải nộp là 2.246.400 đồng. Trớ trêu thay, trong giấy báo thuế còn ghi số tiền phải nộp cả thời gian chị nghỉ sinh con. Chị Thảo làm đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Thời gian kéo dài, số nợ thuế của chị Thảo lên đến 4,9 triệu đồng.

Ngày 23/11/2004, đoàn cưỡng chế thực hiện quyết định hành chính của Chi cục Thuế huyện Bến Lức ập vào nhà chị lục tung tất cả để tìm tiền bạc và những vật dụng có giá trị khác mang đi trừ nợ thuế. Do tài sản không có gì nên đoàn cưỡng chế lấy toàn bộ dụng cụ hành nghề của chị Thảo, trị giá là 1,6 triệu đồng, còn nợ 3,3 triệu đồng.

Kể từ ngày bị cưỡng chế, chị Thảo chỉ kiếm sống bằng nghề cắt móng tay là chính nhưng vẫn bị thu thuế mỗi tháng 188.400 đồng, trong khi đó mức thu nhập bình quân mỗi ngày của chị dưới 20.000 đồng. Ngày 21/3, cán bộ thuế xã thông báo số tiền nợ thuế của chị lên đến 7,4 triệu đồng, nếu không chạy tiền để nộp thì sẽ bị cưỡng chế lần nữa. Không riêng gì chị Thảo mà nhiều người mua bán nhỏ ở chợ "chồm hổm" từng lâm vào hoàn cảnh như thế

Nhã Phong
.
.
.