TP HCM:

Bùng phát nạn lừa thế chấp "sổ đỏ"

Thứ Sáu, 07/07/2006, 08:34

Chuyện các “cò” tín dụng lừa đảo nông dân, chính quyền biết, các ban, ngành biết, chỉ có ngân hàng cho là không biết. Vì sao? Bởi vì cò tín dụng câu kết ăn chia với cán bộ ngân hàng, chiếm dụng hàng chục tỉ đồng của nông dân đi kinh doanh và cho vay lãi nặng ngoài xã hội, biến người dân thành con nợ, còn ngân hàng thì thành... chủ những khoản nợ khó đòi.

Nguyễn Thị Minh Hoa (54 tuổi), ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM và Nguyễn Thị Minh Hà (em ruột Hoa) đứng ra thành lập Công ty cổ phần Nhật Hoàng có trụ sở trên đường Phan Văn Trị, phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM. Lợi dụng sự quen biết với các hộ nông dân ngụ tại Bình Chánh và Hóc Môn có đất nhưng không có vốn sản xuất, Hoa tỏ ra hào phóng, hứa hẹn giúp đỡ bà con thoát nghèo qua vay vốn hỗ trợ sản xuất từ Ngân hàng Nhà nước.

Lừa tiền tỉ từ việc đi vay hộ

Hoa lấy danh nghĩa "chuyên viên hỗ trợ vốn" của Công ty Nhật Hoàng xuống tiếp xúc với bà con xã Hưng Long, Bình Chánh và hứa sẽ cho họ vay vốn với lãi suất 1%/tháng, điều kiện vay vốn rất đơn giản: chỉ cần giao "sổ đỏ". Tin lời Hoa, bốn hộ dân gồm: Lê Văn Trong, Lê Ngọc Mai, Võ Thành Phước, Mai Bạch Tuyết đã giao "sổ đỏ" cho Hoa, rồi ký vào giấy bảo lãnh thế chấp tài sản vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chi nhánh Đông Sài Gòn. Khi đã có "sổ đỏ" trong tay, Hoa cùng cán bộ tín dụng Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đông Sài Gòn đã biến những "sổ đỏ" của bà con thành hợp đồng tín dụng, nâng khống số tiền bảo lãnh vay lên gấp nhiều lần. Số tiền thực vay của bà con nông dân chỉ 60 triệu, trong khi đó phải bảo lãnh cho Hoa vay tới hơn 1,6 tỉ đồng. Bởi người vay không trả nợ đúng kỳ hạn nên Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đông Sài Gòn ra quyết định phát mãi tài sản của các hộ dân. Lúc này, bà con nông dân mới tá hỏa vì bị những khoản nợ khổng lồ từ trên trời rơi xuống...

Một "cao thủ" khác trong lĩnh vực... lừa "sổ đỏ" của nông dân là Tiêu Thị Anh (51 tuổi), ngụ xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP HCM. Giữa năm 2004, biết một số gia đình ngụ cùng xã đang gặp khó khăn, Tiêu Thị Anh gợi ý: Nếu muốn vay tiền ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp thì bà ta sẽ giúp đỡ thủ tục vay tại Quỹ tín dụng Trung ương - Chi nhánh TP HCM. Tin lời bà Anh, bà con đưa toàn bộ giấy tờ  nhờ Tiêu Thị Anh đi vay hộ. Trong các hợp đồng thế chấp tài sản được UBND xã Thới Tam Thôn xác nhận thì số tiền bà con vay chỉ từ 15-50 triệu, nhưng bà Anh tự ý sửa chữa nâng lên hàng trăm triệu đồng... Khi người dân thắc mắc về số tiền vay chênh lệch này, bà Anh trấn an: "Tới kỳ đáo hạn tôi tính cho, kể cả tiền lãi hàng tháng". Đến thời hạn trả tiền cho bà con, bà Anh đã cố tình lờ đi. Ngay cả tiền lãi hằng tháng bà Anh cũng không thanh toán một đồng nào. Tổng cộng Tiêu Thị Anh đã làm hơn 20 hợp đồng vay Quỹ tín dụng Trung ương - Chi nhánh TP HCM 13 tỉ đồng.

Ai tiếp tay cho những kẻ lừa đảo?

Theo kết quả xác minh của Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Bộ Công an, năm 2003, Công ty Nhật Hoàng làm đơn xin vay 2 tỉ đồng để kinh doanh 180.000 bộ quần áo xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tài sản đảm bảo nợ vay gồm một căn nhà và bốn "sổ đỏ" của bốn hộ nông dân ở Hưng Long, Bình Chánh. Theo tường trình của cán bộ Ngân hàng NN&PTNT, trong việc xem xét giá trị tài sản đảm bảo nợ vay, cán bộ tín dụng đã báo cáo không trung thực về giá trị thật của tài sản. Cụ thể, những lô đất bảo lãnh thế chấp đều là đất ruộng hoặc nằm cách đường đến... 400m. Nhưng cán bộ tín dụng đã làm tờ trình báo cáo là "đất gò nằm ngay mặt đường nhựa lớn, xe hơi chạy vào tận nơi, chạy theo đường vành đai về quận 8". Nghiêm trọng hơn là cán bộ tín dụng đã tự ý nâng giá 5-7 lần so với giá trị thật của tài sản thế chấp.

Sau khi Công ty Nhật Hoàng không thanh toán nợ đúng hạn, cán bộ tín dụng dù không có đầy đủ cơ sở, vẫn đề xuất cho Công ty Nhật Hoàng gia hạn nợ ba lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ. Lời khai của nạn nhân cho thấy cán bộ tín dụng đã có dấu hiệu tiếp tay cho Nguyễn Thị Minh Hoa lừa đảo.

Trong vụ Tiêu Thị Anh, CQĐT Bộ Công an nhận định: Việc thất thoát tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng Trung ương hết sức nghiêm trọng, không còn khả năng truy thu tài sản, khắc phục hậu quả, đặc biệt "có dấu hiệu móc ngoặc, thông đồng với các cán bộ của Quỹ tín dụng Trung ương Chi nhánh tại TP HCM để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước". Nhưng cho đến thời điểm này, ngành Ngân hàng, quỹ tín dụng vẫn chưa có động thái gì để xử lý sai phạm của cán bộ liên quan hoặc chuyển hồ sơ vi phạm đến CQĐT để làm rõ

Phương Quỳnh
.
.
.