Bùng phát hàng giảm giá, khuyến mại để “chạy” Tết

Chủ Nhật, 03/02/2013, 13:35
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết, ngoài mặt hàng thực phẩm thì đi trên đường phố Hà Nội vào những ngày này, đâu đâu cũng thấy cửa hàng thời trang, giày dép treo biển giảm giá. Không những giảm tới 30 - 50% giá trị sản phẩm mà nhiều nơi còn bắt mắt bằng tấm băng rôn “giảm giá sốc” khiến người tiêu dùng bị “rối” bởi không biết giá trị thật của mặt hàng đã được khuyến mại, giảm giá trước đó là bao nhiêu.

Đến thời điểm này, giày dép, quần áo thời trang mùa đông đang được các shop tung ra chương trình giảm giá vì ai cũng biết, để qua Tết thì sẽ không bán được, phải cất vào kho. Nhiều hãng thời trang có tên tuổi như Bossini, Lining cũng treo biển giảm giá đồng loạt 50%. Tuy nhiên, có những loại giảm giá không đúng như quảng cáo. Và kiểu “nâng giá lên để giảm giá” vẫn diễn ra phổ biến. Những tấm biển quảng cáo như “Áo khoác dạ chỉ còn 300k”, “xả hàng đông”, “thanh lý toàn bộ cửa hàng, giảm giá đến bất ngờ”… rất bắt mắt người tiêu dùng.

Để tìm cho mình một chiếc áo khoác giảm giá, chúng tôi vào một cửa hàng thời trang trên phố Hàng Bông. Một chiếc áo vest lỗi mốt, chất liệu bình thường giảm giá 50% còn 880 nghìn đồng. Bình thường chiếc áo này giá 1.760.000đ. Chị Hà, ở Trung Hòa, Nhân Chính cho biết: “Nếu giá như chưa giảm thì quá đắt. Vì chiếc áo này màu sắc kén người mặc, đặc biệt là kiểu dáng có từ cách đây vài năm rồi”.

Giáp Tết năm nay thời tiết ấm hơn nên quần áo thời trang cũng không bị “cháy” hàng như mọi năm trời rét đậm. Vì thế mà chương trình giảm giá càng được tung ra để kích thích tiêu dùng. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết hàng giảm giá vẫn là lỗi mốt, hàng tồn. Sự giảm giá chỉ có một số nơi thực hiện đúng quy định, còn nhiều nơi thì vẫn tồn tại tình trạng nâng giá lên rồi giảm giá.

Người tiêu dùng khi mua hàng hạ giá cuối năm nên cảnh giác. Trước mắt xem về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã. “Giảm giá cũng là cách để người có thu nhập bình thường như chúng tôi mua được hàng có tên tuổi. Nhưng đôi khi người tiêu dùng lại bị lu mờ vào hai chữ giảm giá, nhiều khi mua về mặc xong là chán vì thấy lỗi màu, lỗi mốt. Năm ngoái tôi cũng mua một mớ, cả giày dép và quần áo, nhưng đều là hàng bị ế, tồn, tính ra lại đắt” - chị Nguyễn Thị Huệ, ở Phương Mai, Hà Nội chia sẻ.

Giảm giá nhiều nhất phải kể tới hàng đổ đống. Dọc phố Hàng Bông, 1 chiếc áo len nam giảm giá còn 70 đến 90 nghìn đồng/chiếc. Quần áo hết mốt treo mãi không bán được, nhưng khi hạ xuống đổ đống ở vỉa hè, treo tấm biển “giảm giá” là khách xúm vào mua. “Tiền nào của nấy, áo len này chủ yếu là nilon, nhưng rẻ, người già mặc phù hợp” - chị Mai ở đường Thụy Khuê chọn 1 chiếc áo cho bố chồng kể. Để “giải tán” hàng tồn, một shop giày nằm ngay trên đường Lê Duẩn treo biển “guốc, giày đồng loạt 100k” khiến chị em đổ xô vào chọn lựa.

Giảm giá là một cách để kích cầu tiêu dùng. Sở Công Thương là đơn vị quản lý các chương trình giảm giá, khuyến mại của Hà Nội nhưng đến nay cũng “bó tay” với kiểu giảm giá tự phát bùng lên như nấm ở Thủ đô.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì việc quản lý, giám sát giá trước khuyến mại với sau khuyến mại là của Sở Công Thương. Tại hệ thống siêu thị Hà Nội, khuyến mại đều phải đăng ký và được chấp thuận, giám sát. Nhưng với tình trạng khuyến mại rộng khắp, bùng phát dịp Tết này thì quả là không đủ lực lượng đi kiểm tra. Do vậy, giá khuyến mại chưa chắc đã đảm bảo, có đúng giá hay chưa thì chẳng ai biết. Vậy nên, người tiêu dùng phải tự thẩm định, xem xét chất lượng và giá cả rồi hãy quyết định mua

Trần Hằng
.
.
.