Bùng nổ xây nhà trái phép ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 09/01/2008, 10:23
Ở khu vực ngoại thành, huyện Bình Chánh và Hóc Môn được xem là hai "ứng cử viên nặng ký" về xây dựng trái phép. Nếu như Hóc Môn nổi đình nổi đám với vụ 1.000 căn nhà trái phép ở xã Thới Tam Thôn thì Bình Chánh dữ dội hơn với xã Phong Phú, Bình Hưng mỗi nơi có hàng ngàn căn nhà trái phép.

Căn cứ vào các tiêu chí về phân loại đô thị thì TP Hồ Chí Minh chia làm 3 khu vực: nội thành gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh; khu vực vùng ven gồm 6 quận mới là 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và khu vực ngoại thành là các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ.

Trong số này, khu vực vùng ven, ngoại thành là địa bàn chính hình thành nên khoảng 260.000 căn nhà xây dựng trái phép (XDTP) trên toàn TP Hồ Chí Minh.

Thực trạng này không chỉ gây mất cảnh quan đô thị mà còn phá vỡ quy hoạch, gây ngập úng bởi phần lớn nhà XDTP trên đất nông nghiệp, ao hồ vốn là vùng đệm để chứa nước mưa trước khi chảy ra sông, kênh, rạch…

Phố phường méo mó

Cách đây hơn 10 năm, vùng Thủ Đức xưa (nay là quận 2, 9, Thủ Đức) với diện tích hơn 210km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 90% được phân bổ vùng trồng lúa thuộc khu vực vùng bưng 6 xã (nay thuộc quận 9) và các phường thuộc quận 2 bây giờ; trồng mai thì ở các xã Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông và trồng rau muống thì ở Tam Bình, Tam Phú nay thuộc quận Thủ Đức.

Tương tự, những "người anh em" tái thành lập cùng thời là quận 7, Nhà Bè ngày trước cũng là những cánh đồng lúa bát ngát, hệ thống sông ngòi chằng chịt. Còn bây giờ, quận 7 lộng lẫy với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng; quận 2, quận 9 mọc lên rất nhiều chung cư cao tầng, nhà phố, biệt thự cao cấp…

Tuy nhiên bên cạnh vẻ hào nhoáng đó vẫn tồn tại những khu dân cư XDTP trên đất nông nghiệp làm méo mó phố phường, vệ sinh môi trường ô nhiễm trầm trọng. Những khu vực trước đây là vườn mai ở phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) giờ nhường chỗ những căn nhà cấp 4. Riêng phường Hiệp Bình Chánh với diện tích 647ha có đến khoảng 1.000 căn nhà XDTP, thu hẹp đất nông nghiệp chỉ còn lại chưa tới 20ha.

Tương tự là quận 12 với diện tích 5.274ha từng nổi tiếng là vùng trồng lài; cây, cá kiểng tập trung ở chiến khu An Phú Đông xưa (nay gồm 3 phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông) nhiều khu vực đã bị bỏ hoang, nơi nào có đường vô là mọc lên nhà.

Các con đường xương cá nằm dọc theo đường Hà Huy Giáp, chạy dài từ ngã tư Ga đến cầu Phú Long (giáp ranh với huyện Thuận An, Bình Dương) vốn trước đây là đường vào các khu vườn cây ăn trái, nay nhà cao, nhà thấp đua nhau mọc lên.

Các phường được xem là khu vực đô thị của quận 12 như Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp, Trung Mỹ Tây… những nơi có rất nhiều nghĩa địa đã bị XDTP, chen cả vào mồ mả, có nguy cơ trở thành một Bình Hưng Hòa thứ hai ở TP Hồ Chí Minh.

Ở khu vực ngoại thành, huyện Bình Chánh và Hóc Môn được xem là hai "ứng cử viên nặng ký" về tình trạng XDTP. Nếu như Hóc Môn nổi đình nổi đám với vụ 1.000 căn nhà trái phép ở xã Thới Tam Thôn thì Bình Chánh dữ dội hơn với xã Phong Phú, Bình Hưng mỗi nơi có hàng ngàn căn nhà XDTP. 

XDTP - lỗi tại ai?

Bác Nguyễn Văn An, một lão nông ngụ tại huyện Hóc Môn nói với tôi rằng, đất thổ vườn của nhà bác sử dụng từ bao đời nay, khi con cái dựng vợ gả chồng thì bác cho mỗi đứa một miếng cất nhà chứ việc gì phải xin phép.

Vì vậy mà trước đây có lần con bác xây nhà bị Tổ quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) xã xuống đòi lập biên bản, tạm ngưng công trình, bác đã trố mắt nhìn các anh em tổ viên: "Tụi cháu làm gì lạ vậy, đất nhà bác thì bác xây, mắc mớ gì đến các cháu mà đòi tạm ngưng?".

Nghe ông lớn tiếng, hàng xóm chạy lại bênh vực ông hết lời vì họ cũng có nếp nghĩ y như ông vậy. Trước sức ép đó, Tổ trật tự rút lui và xin ý kiến xử lý của Chủ tịch UBND xã.

Ông Chủ tịch rất khó xử, bởi ông hiểu, người dân có lỗi là do họ chưa hiểu biết pháp luật nhưng lỗi của chính quyền là chưa tuyên truyền pháp luật đến người dân và chưa xử lý công bằng pháp luật với tất cả mọi người.

Trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực (1/7/2004), công tác xử lý XDTP được giao cho Công an và cán bộ địa chính của phường, xã, thị trấn. Mà cán bộ địa chính thì chỉ có một người còn ngành Công an thì không đúng chức năng và còn phải lo bao việc khác liên quan đến trật tự, an ninh xã hội nên mặt trận này gần như buông lỏng.

Sau khi có Luật Xây dựng, thực hiện theo chủ trương chung của TP, các quận, huyện thành lập Đội QLTTĐT; các phường, xã thành lập Tổ QLTTĐT để chuyên về phòng chống XDTP và một số lĩnh vực có liên quan. Có lực lượng này, những tưởng tình trạng XDTP khó mà diễn ra, bởi mỗi khi có rục rịch XDTP là tổ QLTTĐT nhanh chóng có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, hiệu quả thực tế như thế nào đã rõ, từ ngày 1/7/2004 đến nay, toàn thành lại có hơn 11.000 căn nhà XDTP! Vì sao vậy? Thứ nhất, vì thời điểm này việc áp dụng xử phạt vi phạm XDTP là theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính mà qui định này còn quá nhẹ. Thứ hai, nhân viên QLTTĐT được các địa phương tuyển chọn không đảm bảo về mặt chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức.

Mặt khác, họ chỉ là những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, ăn lương khoán, không được hưởng chính sách hỗ trợ nên có tư tưởng "kiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu". Thế là muốn việc XDTP được trót lọt thì người dân phải chi tiền, không chi thì mới bị tạm ngưng và trở thành luật bất thành văn mà người XDTP nào cũng biết.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12, khẳng định: "Cũng vì vậy mà thời gian vừa qua rất nhiều cán bộ đã bị xử lý kỷ luật. Nhưng từ nay, việc thành lập Thanh tra xây dựng cấp quận, huyện; xã, phường theo Quyết định 133 của UBND TP Hồ Chí Minh thì mọi thứ sẽ khác đi nhiều vì lực lượng này quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn!"

M.T.P.
.
.
.