Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chống buôn lậu
- Chống buôn lậu qua giám sát trực tuyến với công nghệ cao
- Báo động buôn lậu ngà voi
- Triệt phá nhiều đường dây buôn lậu với quy mô lớn
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng cả nước phát hiện xử lý lên đến hàng trăm nghìn vụ việc nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không hề suy giảm, số vụ vi phạm gia tăng.
Qua công tác xử lý của lực lượng chức năng cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra rộng khắp từ các tuyến biên giới: Đường bộ, đường biển, đường hàng không và vào sâu trong nội địa. Hoạt động của các đối tượng cũng tinh vi hơn, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới, có tổ chức. Hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Để vận chuyển trót lọt hàng nhập lậu, các đối tượng đánh hàng men theo đường mòn, lối mở, kênh rạch, suối biên giới, sau đó giấu trên các phương tiện xe ô tô tải, xe khách đã được gia cố vách ngăn, hầm hàng bí mật vận chuyển vào sâu trong nội địa.
Nổi lên trên tuyến đường sắt, các đối tượng đưa hàng lậu lên tầu, sau đó trà trộn trong toa hành lý của hành khách đưa vào nội địa. Quá trình bốc xếp, vận chuyển hàng hóa trên tuyến này thường bố trí người cảnh giới, giám sát báo tin, thậm chí huy động các thành phần quá khích cố tình cản trở gây rối để cướp hàng, giải vây cho đồng bọn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.
Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (ảnh minh hoạ) |
Tại đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả công tác còn chưa tương xứng với tình hình thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân của những tồn tại trên có cả yếu tố khách quan như địa hình biên giới phức tạp, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, điều kiện, phương tiện làm việc… chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, nhưng về cơ bản vẫn do yếu tố chủ quan. Đó là, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; còn nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế; xác định rõ nguyên nhận khách quan, chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới. Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là việc quán triệt, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.