Bộ Tài chính đề nghị thay đổi cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu
Thực tế, từ khi hình thành quỹ bình ổn giá xăng dầu luôn khiến dư luận bức xúc về cách thức quản lý, sử dụng quỹ. Lâu nay, quỹ được trích từ túi tiền người tiêu dùng, mỗi lít xăng dầu hiện khách hàng phải bỏ ra 300 đồng (có thời điểm 500 đồng) và đóng góp quanh năm.
Thế nhưng, khi doanh nghiệp “xả” quỹ thì chỉ được trên dưới một tháng là họ đã kêu hết. Cách đóng góp cả năm chỉ để “ăn xổi” quá ngắn như vậy không thể làm khách hàng hài lòng và càng không phản ánh đúng nghĩa “bình ổn”, nói cách khác là hoang phí. Trong khi đó, khi giá xăng dầu lên cao thì doanh nghiệp cũng tăng giá bán ồ ạt, có thời điểm tăng gần 3.000 đồng mỗi lít, trong khi quỹ chỉ đáp ứng được phần nhỏ. Đồng thời, cách quản lý quỹ lâu nay không minh bạch.
Hàng nghìn tỉ đồng quỹ do doanh nghiệp nắm giữ, họ không biết doanh nghiệp đầu tư tiền đó vào đâu, kể cả tiền lãi có được sử dụng vào mục đích gì, vì cứ 1.000 tỉ đồng thì mỗi năm đã có trên trăm tỉ tiền lãi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực chất, đó là quỹ bình ổn doanh nghiệp, vì lợi ích doanh nghiệp chứ không phải vì khách hàng và cần phải bỏ quỹ này.
Tại các kỳ họp Quốc hội, cử tri cũng kiến nghị phải bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn chưa tính phương án này. Trong lúc quyết định bỏ hay không thì cần thiết chuyển quỹ khỏi doanh nghiệp.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng nên trích lập quỹ ở ngay khâu đầu khi nhập khẩu hay tại thời điểm bán ra cuối cùng. Quỹ sẽ được quản lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước và phải có cơ chế sử dụng Quỹ bảo đảm phản ứng nhanh với sự biến động của thị trường và không tao ra cơ chế xin-cho, giảm bớt thủ tục hành chính.
Đối với công thức tính giá cơ sở (giá thành xăng dầu sau khi tính toán các chi phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp), Bộ Tài chính cho rằng nên đưa lợi nhuận định mức (hiện được quy định tối đa là 300 đồng một lít, kg) ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, đồng thời khống chế mức lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý.
Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu quy định tính giá cơ sở bình quân 10 ngày, thay vì 30 ngày như hiện tại. Cách tính giá cũng sẽ được nghiên cứu cho phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (10 ngày) và số ngày dự trữ lưu thông (30 ngày). Về thù lao, hoa hồng đại lý, Bộ Tài chính nhận định, mức chi phí này hiện nay do doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tự thỏa thuận.
Vì vậy, dẫn tới việc mỗi doanh nghiệp quy định một mức khác nhau, có thời điểm, mức thù lao, hoa hồng của đại lý cao hơn cả mức khoán chi phí kinh doanh được Nhà nước quy định (với xăng, dầu diesel là 600 đồng/lít; dầu madút là 400 đồng/kg) để giành giật thị phần. Điều này gây khó khăn cho chính bản thân các doanh nghiệp, tạo ra sự phức tạp, lộn xộn thị trường.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng chi phí bán lẻ bình quân ở các địa bàn gần cảng nhập khẩu, nhà máy lên mức tối đa 860 đồng/ lít, kg. Các địa bàn khác, chi phí này được cộng thêm tối đa 2% giá bán lẻ ở mỗi mặt hàng. Quan trọng hơn, mức chi hoa hồng của doanh nghiệp cho các đại lý, tổng đại lý không được vượt 50% chi phí bán lẻ bình quân này