Bộ NN&PTNT: Đề nghị WWF thu hồi toàn bộ tờ rơi đã phát hành

Thứ Năm, 09/12/2010, 14:33
Trưa 8/12, đại diện Bộ NN&PTNT, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã có cuộc trao đổi với báo giới về quan điểm của Bộ xung quanh việc làm của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đối với cá tra Việt Nam.

Cũng trong ngày, Bộ NN&PTNT đã gửi thư đến WWF, đề nghị trước khi chưa có sự đồng thuận giữa 2 bên, WWF phải thu hồi lại toàn bộ tờ rơi hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản ở một số quốc gia.

Theo ông Tuấn, nguyên tắc của WWF là coi trọng sự tham gia của các bên trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã bị WWF vi phạm trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cá tra nuôi Việt Nam.

Lý giải cho nhận xét này, ông Tuấn cho biết: "Kể từ khi WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ, phía Việt Nam từ người nuôi, doanh nghiệp chế biến, lãnh đạo các địa phương đến Bộ NN&PTNT đều chưa được biết đến bộ tiêu chí này, cũng như hoàn toàn bất ngờ trước sự việc này. Đây là điều vô cùng đáng tiếc với uy tín mà WWF đã gây dựng bấy lâu. Việc đưa 1 sản phẩm có tính chất quốc gia vào danh mục đó mà chưa có sự trao đổi, đồng thuận là điều không thể chấp nhận được. Thêm vào đó, tờ rơi này được xuất bản ở một số quốc gia, song, bản thân ở mỗi quốc gia lại khác nhau, có nước thì cá tra bị xếp vào danh sách đỏ, có nước thì ở danh sách vàng. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn ngay trong tờ rơi hướng dẫn này".

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đã tiến hành làm việc với WWF tại Hà Nội, thông qua tổ chức này đề nghị WWF cung cấp bộ tiêu chí, bản đánh giá về cá tra Việt Nam. Đồng thời, chính thức gửi thư đến WWF yêu cầu, khi chưa có thông tin rõ ràng về mặt tiêu chí, số liệu đánh giá thì WWF phải thu hồi toàn bộ tờ rơi hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản ở một số quốc gia.

"Chúng tôi đã thông qua WWF tại Hà Nội đề nghị họ sớm gửi bộ tiêu chí, cũng như các số liệu đánh giá về cá tra nuôi Việt Nam. Họ cũng đã hứa, trong một ngày gần đây nhất sẽ cung cấp cho Việt Nam bản đánh giá này. Đây là con đường nhanh nhất và hợp pháp", ông Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Tử Cương, Hiệp hội nghề cá Việt Nam:

Ông Nguyễn Tử Cương, Hiệp hội nghề cá Việt Nam
Đây là kiểu kết luận "vơ đũa cả nắm"

Kết luận của WWF đã vi phạm 2 nguyên tắc rất quan trọng của WTO mà tất cả các quốc gia, tổ chức phi chính phủ phải tuân thủ là công khai và khách quan. WWF đánh giá về cá tra Việt Nam, nhưng tại Việt Nam, từ người nuôi cá đến cơ quan chức năng đều không hay biết.

Số liệu họ thu thập được có khách quan, khoa học không, cũng không ai hay biết. Bản thân WWF tại Hà Nội, cũng là WWF nhưng lại không hay biết sự việc trên. Như vậy, liệu có hợp lý? Hơn nữa, kiểu kết luận "vơ đũa cả nắm" là hoàn toàn vô lý. Không lẽ, toàn bộ 1,3 triệu tấn cá của chúng ta đều không đảm bảo?

Hơn 20 vùng nuôi trồng được cấp chứng nhận Global Gap cũng vi phạm về môi trường? Bởi vậy, trong khi chưa cung cấp được bằng chứng, WWF phải thu hồi ngay lượng tờ rơi hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản.

Điều đáng mừng là đến thời điểm này, tất cả các nước đang nhập khẩu cá tra Việt Nam, đã công nhận sản phẩm cá tra nuôi Việt Nam đạt chất lượng, đảm bảo như EU hiện có 28 nước, rồi Mỹ, Nga, Nhật, tất cả các nước trong khối ASEAN đều sử dụng cá tra Việt Nam đều không có bất kỳ sự phản ứng nào. Nhưng, thông tin trên đã bôi nhọ người nuôi cá tra Việt Nam, gây hoang mang trong người tiêu dùng châu Âu. Hơn nữa, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành chiến lược phát triển cá tra đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ thông qua với kinh phí ước tính 76 triệu USD. WWF làm như vậy là phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực của Việt Nam.

N.Y.
.
.
.