Chuyện người quản lý:

"Biếu" khách du lịch cho đối tác nước ngoài?

Thứ Hai, 09/01/2012, 19:22
Theo các hãng lữ hành trong nước, việc nghỉ Tết Nguyên đán 2012 kéo dài 9 ngày đã tạo nhiều thuận lợi để “kích cầu” du lịch. Tuy nhiên, cũng theo các hãng lữ hành này, số lượng khách đăng ký chủ yếu rơi vào các tour ngoại, tập trung vào các quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… trong khi đó các tour nội địa thì dường như ngày càng trở nên “lép vế” hơn do thiếu hấp dẫn về giá.

Và “thủ phạm” dẫn đến việc “tour nội giá cao hơn cả tour ngoại” là do việc Vietnam Airlines bất ngờ tăng giá vé máy bay nội địa vào giữa tháng 12/2011. Theo các hãng lữ hành trong nước, chi phí cho vé máy bay thường chiếm từ 60-70% chi phí tour. Do đó, việc Vietnam Airlines bất ngờ điều chỉnh tăng giá vé máy bay được xem như "cú đòn" đánh mạnh vào những nỗ lực của các hãng lữ hành vốn đang chật vật giữ khách ở lại trong nước; dồn du lịch nội địa vào thế "chết" dần vì sức cạnh tranh ngày một yếu đi.

Khảo sát bảng niêm yết giá tour tại một số hãng lữ hành, dễ dàng nhận thấy tour đi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar từ 4 đến 6 ngày có giá từ 5 đến 14 triệu đồng, thấp hơn so với giá tour di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang, Đà Lạt hoặc Phú Quốc. Thậm chí, riêng vé máy bay hai chiều từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh đã bằng giá tour trọn gói đi du lịch Thái Lan trong 5 ngày 4 đêm.

Tương tự, một tour Hà Nội - Phú Quốc bằng máy bay 3 ngày sẽ có giá tương đương với tour Singapore - Malaysia 7 ngày. Như vậy, việc tour nội địa mất ưu thế cạnh tranh về giá so với tour ngoại không chỉ hạn chế khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà còn khiến chính khách du lịch trong nước “quay lưng” với các tour nội địa.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta vừa không thu được nguồn ngoại tệ từ du khách quốc tế mà còn có nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ khi hàng năm số lượng người Việt Nam ra nước ngoài đi du lịch ngày càng tăng mạnh. Thống kê của các hãng lữ hành cho thấy, trong  năm 2011, có khoảng 500.000 lượt khách du lịch Việt Nam đến Thái Lan, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2010. Tương tự, khách du lịch Việt Nam sang các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Malaysia cũng tăng mạnh từ 15-25% so với cùng kỳ năm trước.

Từ việc tour nội đắt hơn tour ngoại do sự điều chỉnh tăng liên tục của giá vé máy bay nội địa và xu hướng giảm giá vé máy từ Việt Nam đi quốc tế có thể nhìn rộng ra là ngành du lịch Việt Nam đang thiếu một sự quy hoạch đồng bộ và bài bản, thiếu sự phối hợp mang tính liên ngành. Đơn cử như việc công bố tăng giá vé máy bay nội địa quá cận Tết khiến các công ty du lịch rơi vào bị động, chỉ dám nhận khách đi các tour trong nước đúng một tháng trước Tết.

Bên cạnh đó, vào dịp cuối năm, các nhà hàng, khách sạn trong nước thường tăng giá khoảng 10-15% so với ngày thường cũng khiến cho các tour du lịch nội địa cũng bị “đội” giá lên. Ngoài ra, tại các địa phương, thay vì tích cực bắt tay với các hãng lữ hành trong nước và quốc tế quảng bá các điểm du lịch nổi tiếng của địa phương mình như cách các quốc gia lân cận trong khu vực đang làm thì hầu như đều im hơi, lặng tiếng.

Thậm chí, có địa phương còn “thiếu chuyên nghiệp” bằng cách tăng giá vé tham quan và các loại dịch vụ khác trong dịp Tết khiến cho không chỉ khách quốc tế mà ngay cả khách du lịch trong nước cũng ít nhiều mất cảm tình. Trong khi đó, các hãng lữ hành quốc tế lại đang có chiến lược “nghiên cứu” và “chăm sóc” khách du lịch Việt Nam rất kỹ lưỡng bởi tầng lớp trung lưu ở Việt Nam (có điều kiện đi du lịch) đang gia tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây.

Đồng thời, họ cũng phối hợp với các hãng lữ hành của Việt Nam, các đối tác liên ngành khác như Vietnam Airlines rất chặt chẽ và bài bản. Vì thế, nếu ngành du lịch Việt Nam vẫn không thay đổi cách làm như hiện tại thì chẳng khác nào đang và sẽ tiếp tục “biếu không” khách du lịch Việt Nam cho các đối tác nước ngoài!?

Huyền Thanh
.
.
.