Bia Sài Gòn vang danh trên trường quốc tế

Thứ Ba, 24/01/2006, 08:58

Sau khi nhâm nhi ly bia Sài Gòn tại nhà máy, các doanh nhân Mỹ đã nhờ ngay Công ty Heritage - một công ty kinh doanh bia - nhập bia Sài Gòn vào thị trường Mỹ.

Hơn mười năm qua, thương hiệu bia Sài Gòn của Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã có mặt ở thị trường 19 quốc gia trên thế giới. Trong đó có rất nhiều quốc gia có tiếng tăm về bia như Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Đan Mạch.  Ngoài ra, những chai bia Saigon Export, Saigon Special còn có mặt trong những nhà hàng sang trọng ở Mỹ, Australia và các nước châu Á, châu Phi như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Nam Phi, để sánh vai với các thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới.

Chị Hà, một cán bộ làm công tác xuất khẩu của Công ty Bia Sài Gòn cho biết: Từ năm 1996, trong lúc lệnh cấm vận Việt Nam chưa được Chính phủ Mỹ bãi bỏ, người Mỹ đã tìm đến tận Công ty Bia Sài Gòn để xin nếm thử bia. Sau khi nhâm nhi ly bia Sài Gòn tại nhà máy thì họ đã nhờ ngay Công ty Heritage - một công ty kinh doanh bia, nhập bia Sài Gòn vào thị trường Mỹ. Sau đó SABECO đã hợp tác với tập đoàn Acefood đưa bia Sài Gòn vào hệ thống bán hàng của tập đoàn này tại nhiều bang trên đất Mỹ.

Khách hàng Nhật thì cho rằng, hương vị của bia Sài Gòn rất gần gũi với bia Asahi của Nhật, nhưng đặc sắc và đậm đà hơn. Và người Nhật cũng đã không bỏ qua cơ hội kinh doanh bia Sài Gòn trên đất nước hoa anh đào. Còn ở Đức, một quốc gia nổi tiếng thế giới cả về thương hiệu bia lẫn sản lượng bia được sản xuất hàng năm, vậy mà bia Sài Gòn vẫn được đón nhận một cách nồng nhiệt. Tại giải thưởng bia quốc tế được tổ chức tại Australia, hai năm 1996 và 2001, thương hiệu bia "333 premium export" của Công ty Bia Sài Gòn đã liên tiếp giành được huy chương bạc…

Theo ông Văn Thanh Liêm, Phó Tổng giám đốc SABECO thì SABECO đang thực hiện một chiến lược "vàng", nghĩa là ngoài đầu tư phát triển thị trường thì việc xây dựng thị trường bền vững đang được Tổng Công ty chú trọng. Chính vì thế, từ 36 chi nhánh trên toàn quốc, SABECO đã sắp xếp thành 8 công ty thương mại cổ phần. Như vậy, các nhà phân phối cấp 1 thực sự trở thành cổ đông góp vốn.

“Việc "cổ phần" hóa từng phần này đã gắn kết nhà sản xuất với nhà phân phối kinh doanh sản phẩm để cùng nhau đảm bảo thị trường hiện tại, mở rộng thị trường khu vực của SABECO. Thực tế, từ chính sách đúng, sản lượng bia của SABECO tăng trưởng 19%, lợi nhuận năm 2005 đạt 7.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 2.300 tỉ đồng. Chúng tôi được biết SABECO dự kiến năm 2006-2007 sẽ nộp ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng”, ông Liêm nói.

Ông Liêm còn cho biết, để đạt được doanh số đó, tháng 12/2005 vừa qua, Công ty đã khởi công xây dựng Nhà máy Bia Củ Chi có công suất 200 triệu lít/năm. Năm 2006, SABECO tiếp tục đầu tư xây dựng mới Nhà máy Bia tại Quảng Ngãi công suất 100 triệu lít; Nhà máy Bia Sài Gòn Đắk Lắk 50 triệu lít/năm; Nhà máy Bia ở Bạc Liêu 15 triệu lít/năm. SABECO còn tập trung đầu tư mở rộng, nâng công suất hàng loạt các nhà máy bia ở các địa phương như Nhà máy Bia Sài Gòn - Cần Thơ, Nhà máy Bia Sài Gòn - Sóc Trăng...

Nguyễn Thanh
.
.
.