Bí quyết thu nửa tỷ đồng mỗi năm từ trang trại của người nông dân vùng cao

Thứ Hai, 20/07/2015, 08:59
Với mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, hiện nay gia đình ông Lò Văn Miên ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thu lãi mỗi năm gần 500 triệu đồng.

Gần 15 năm trước, gia đình ông Miên vẫn thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế gia đình ông chỉ trông chờ vào một ít đất ruộng. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ rừng, ông Miên bàn với vợ nhận khoanh nuôi, bảo vệ 50ha đồi rừng thuộc khu vực bản Na Ten, xã Hua Thanh. 50ha đồi rừng ấy ông dành 40ha trồng các loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế như bương, muồng, mỡ, keo lai...; 10ha còn lại được gia đình ông quy hoạch để phát triển trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi, đào ao thả cá.

Năm 2003, sau khi được đi tham quan, học tập mô hình trồng cây ở Vĩnh Phúc, Lào Cai về, ông Miên quyết tâm xây dựng trang trại để phát triển kinh tế. Từ số tiền 5 triệu đồng được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, cộng với số tiền dành dụm của gia đình, ông Miên đã mua 500 cây cam Vinh, 100 cây bưởi và 300 cây chanh giống về trồng thử. Lúc đầu, do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm nên vườn cây của ông chưa cho quả ngọt. Sau đó, ông Miên đã rút ra được kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây hiệu quả. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông gồm hơn 6ha thì đã có 3ha đang cho thu hoạch, mang lại cho gia đình ông hơn 250 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Miên chia sẻ: Thời gian tới, ông sẽ mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả. Theo ông, trồng cây ăn quả chỉ tốn chi phí và công chăm sóc ban đầu, đến giai đoạn cây cho quả, việc chăm sóc đơn giản mà lợi nhuận thu được từ cây ăn quả lại rất cao.

Ngoài trồng rừng, trồng cây ăn quả, gia đình ông Miên còn tận dụng các khe nước trong khu vực trang trại cải tạo thành ao nuôi cá. Những ngày đầu còn thiếu vốn, không có tiền thuê máy móc, hai vợ chồng ông cùng các con tự san đồi, ngăn khe tạo thành ao rộng gần 1ha nuôi thả cá rô phi, trắm, mè... Ông còn tích góp tiền bán cá cộng với nguồn thu từ rừng đầu tư thuê máy ủi, máy xúc về mở rộng ao nuôi cá. Đến nay, gia đình ông có 7 ao cá với tổng diện tích hơn 7ha, nuôi các loại cá như rô phi, chép, trắm... mỗi năm cho thu hoạch 11 - 12 tấn cá. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 120 triệu đồng. Ông còn tận dụng diện tích mặt nước nuôi thêm 200 con vịt. Nắm bắt nhu cầu của thị trường về thịt lợn rừng, ông còn xây dựng chuồng trại, tìm giống lợn rừng đặc sản về nuôi để vừa bán lợn giống, vừa bán lợn thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn. Từ việc phát triển lợn rừng kết hợp với chăn nuôi lợn nhà, mỗi năm gia đình ông thu khoảng 100 triệu đồng.

Mô hình trang trại của ông Lò Văn Miên đã phát triển bền vững, giúp gia đình ông vươn lên làm giàu. Từ mô hình phát triển kinh tế này, gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho gần 20 lao động. Ông cũng tạo điều kiện về kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi và khuyến khích người dân trong xã cùng tham gia phát triển kinh tế trang trại. Mô hình trang trại của gia đình ông Miên luôn là địa chỉ tin cậy để bà con trong và ngoài xã đến học hỏi để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Chia sẻ về bí quyết để việc phát triển trang trại đạt hiệu quả cao, ông Miên chỉ trả lời ngắn gọn bằng 3 từ “ham học hỏi”. Khi chúng tôi đến tham quan trang trại, ông Miên còn nhắn gửi: "Phóng viên đi nhiều nơi chắc biết nhiều mô hình trang trại hiệu quả hơn, giới thiệu cho tôi một vài mô hình đặc biệt để tôi đến học hỏi".

K.H.
.
.
.