Bi hài chuyện sâm Ngọc Linh

Thứ Hai, 06/12/2010, 14:48
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến chuyện cây sâm Ngọc Linh, được xem là một loài thuốc quý hiếm có nguồn gốc ở vùng núi cao phía Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, vì sự quý hiếm và giá trị đặc biệt của loài sâm này nên nhiều người đã lợi dụng thương hiệu của nó để trục lợi và cũng phát sinh nhiều câu chuyện bi hài về sâm…

Tìm sâm Ngọc Linh khó hơn vàng

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học: Panax vietnamensis là một loài cây thuộc họ cam tùng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam hay sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm). Loại sâm quý này được tìm thấy ban đầu tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài đỉnh Ngọc Linh, sâm này còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và đỉnh Ngọc Am, tỉnh Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh có giá trị cao hơn sâm Triều Tiên rất nhiều lần. 

Nhiều bậc cao niên trưởng lão còn sống ở Kon Tum kể rằng, trong thập niên những năm 80-90, loài sâm quý này được tìm thấy ở vùng núi Ngọc Linh, Kon Tum và Trà My, Quảng Nam khá nhiều. Sâm Ngọc Linh lúc ấy chưa quý như bây giờ nên người dân ít quan tâm. Có người lên núi phát hiện sâm mọc tự nhiên cả bãi trên rừng hoang rồi nhổ về phơi khô, sắc nước uống hoặc cho, tặng người thân như củ lang, củ mì (sắn).

Mãi đến những năm 2000 trở lại đây, sâm Ngọc Linh tự nhiên ngày càng hiếm và đến nay gần như không còn nữa, trong khi đó nhu cầu người dùng sâm Ngọc Linh ngày càng nhiều nên trở nên đắt đỏ như vàng. Theo giá thị trường, sâm Ngọc Linh tự nhiên khô giá 200 triệu đồng/kg, nhưng thực tế vẫn không tìm thấy.

Có "đại gia" từ Hà Nội đặt hàng, nếu tìm có sâm Ngọc Linh tự nhiên thật thì 300 triệu đồng/kg vẫn mua nhưng quả thật là hiện tại khó tìm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở Kon Tum chỉ có 2 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh nhưng chưa đến thời gian thu hoạch và củ còn rất nhỏ. Thế nhưng, ngoài thị trường thỉnh thoảng lại xuất hiện loại sâm trồng mang thương hiệu Ngọc Linh này được cho là sâm thật và giá cũng cả trăm triệu đồng/kg.

Chất lượng sâm trồng không thể so sánh được với sâm tự nhiên sống trên đỉnh núi cao Ngọc Linh hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, khi sâm tự nhiên không thể tìm thấy nữa thì con người lại bắt đầu tấn công vào những vườn sâm trồng ở Kon Tum mà các ông chủ vườn sâm phải đau đầu vì khó có thể giữ nổi. Hai vụ trộm sâm Ngọc Linh trồng quy mô lớn được phát hiện vào ngày 31/8 và 22/10 ở Kon Tum với số lượng gần 1.600 gốc sâm, có độ tuổi từ 6 đến 10 năm, trọng lượng khoảng 70kg, mặc dù được các cơ quan chức năng tích cực điều tra nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm ra manh mối.

Sâm giả được bày bán.

Bi hài chuyện sâm giả

Sau một cuộc nhậu "sần sần", một "đại gia" mời khách về nhà để giới thiệu sâm quý ngâm rượu. Anh bạn hí hửng mở tủ ôm cả hũ rượu to tướng ra khoe: "Sâm Ngọc Linh thật 100%, tôi mới mua được của một người dân địa phương mang từ trên đỉnh Ngọc Linh về, giá 20 triệu đồng/kg tươi".

Anh bạn còn cho biết, người bán sâm giới thiệu về nhóm người dân tộc thiểu số ở địa phương băng rừng cả tháng trời mới tìm trúng được một bãi sâm Ngọc Linh còn sót lại. Anh vừa giới thiệu vừa rót ra cho khách mỗi người một ly nhỏ để thưởng thức với niềm tin uống vào sẽ nhanh chóng giải hết bia rượu đã nhậu và khỏe mạnh, về nhà được vợ khen…

Khi rượu được đưa vào miệng cũng có vị đắng gần như sâm nhưng thưởng thức xong ly rượu "sâm" được giới thiệu ấy ai cũng cảm thấy nóng trong người và càng… say thêm. Mọi người nhìn nhau "tá hỏa" rồi ra về trong tâm trạng say khướt. Hôm sau tỉnh dậy gọi điện hỏi thăm sức khỏe bạn bè ai cũng kêu trời vì hóa ra sâm Ngọc Linh giả.

Có một giai đoạn sâm giả thương hiệu sâm Ngọc Linh xuất hiện tràn lan trên thị trường Kon Tum mà nhiều người tiêu dùng cứ nhầm tưởng là sâm thật. Có ngày sâm giả được chuyển cả tạ từ Kon Tum ra Hà Nội để biếu. Để đánh lừa người tiêu dùng, bọn bán sâm giả thường thuê người dân tộc thiểu số ở địa phương đi bán sâm, hoặc thỉnh thoảng lại tung tin mới phát hiện được bãi sâm trên đỉnh Ngọc Linh cao 2.000 mét. Sau trận lũ lụt thiệt hại khá nặng nề ở Kon Tum vào năm 2009, để tìm cách tiêu thụ sâm giả, những người buôn bán sâm lại tung tin sau trận lũ đã trồi lên một bãi sâm trôi từ trên đỉnh Ngọc Linh xuống.

Giá chào bán tùy theo loại củ lớn, nhỏ khác nhau. Loại 6-7 củ/kg tươi bán với giá 10 triệu đồng, loại 4 củ/kg bán giá 15 triệu đồng; loại nhỏ hơn nữa giá 6-7 triệu đồng/kg, thậm chí chỉ cần 3-4 triệu cũng mua được 1kg sâm... Sau đợt tung tin trúng sâm này, nhiều "đại gia" lại tiếp tục bị ăn "quả đắng" vì mua phải sâm giả và càng đau xót hơn là mang sâm giả đi biếu cho khách thân quen ở tận Hà Nội…

Đáng chú ý là trong quá trình điều tra các vụ trộm sâm trồng, Công an Kon Tum đã phát hiện ra một đường dây tiêu thụ sâm giả liên tỉnh. Theo khai nhận của các đối tượng thì nguồn củ giả sâm Ngọc Linh này được chuyển từ miền biên giới phía Bắc vào Kon Tum để bán.

Theo các chuyên gia khoa học tìm hiểu về sâm Ngọc Linh đã phát hiện ra có nhiều loại củ giả sâm Ngọc Linh rất giống nhau được bày bán lâu nay như loại cùng chi Panax (chi nhân sâm), rất giống với sâm Ngọc Linh; loại sâm Vũ Diệp và tam thất hoang; loài thuộc họ Araceae (họ Ráy) có thể gây bỏng miệng sau khi uống, vì vậy mọi người hãy cảnh giác đừng để bị mắc lừa

Ngọc Như
.
.
.