Bí bách chuyện tiêu hủy gia cầm nhập lậu

Thứ Năm, 11/06/2009, 16:25
Việc tiêu hủy một tấn gà nhập lậu tốn kém ít nhất trên chục triệu đồng, chưa kể những chi phí gián tiếp như tổ chức họp liên ngành, tài liệu in ấn… Mỗi năm, TP Móng Cái phải tiêu hủy cả trăm tấn gia cầm, con số chi phí lên đến cả tỷ đồng. Việc chôn hay đốt số lượng lớn gia cầm sẽ ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước những thành phố dọc biên giới, diện tích đất canh tác cũng bị thu hẹp...

Trong khi các ngành chức năng và người dân hướng sự chú ý vào phòng, chống dịch cúm A/H1N1, thì ở "mặt trận" khác, hàng trăm tấn gia cầm thẩm lậu qua biên giới mỗi ngày vẫn có nguy cơ gieo mầm bệnh cúm do virus H5N1 cho cộng đồng.

Cho dù các lực lượng chức năng căng sức ngày đêm đấu tranh ngăn chặn, thực trạng gia cầm tuồn qua biên giới vẫn không có dấu hiệu giảm cho thấy, chúng ta cần thay đổi từ nhận thức đến cách phòng, chống buôn lậu trong lĩnh vực này.

 Khoảng 22h30’ ngày 31/5, tại km12 thuộc xã Hải Tiến, TP Móng Cái, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an TP Móng Cái đã phục kích bắt giữ xe ôtô 88H-69… đang chở 3.000 kg gà lậu. Sơ bộ kiểm tra, toàn bộ lô hàng trên không có giấy tờ kiểm dịch, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

Gia cầm nhập lậu vẫn bị phát hiện, bắt giữ số lượng lớn như thế này. Ảnh: T.P.

Trước đó, các trinh sát Đồn Biên phòng số 5 Quảng Ninh trong khi tuần tra kiểm soát đã phát hiện, bắt giữ 140 lồng gà có trọng lượng trên 4.000kg đang được các đối tượng vận chuyển bằng đường sông từ bên kia biên giới vào Việt Nam, thuộc phường Hải Hoà, TP Móng Cái. Không chỉ có gà nhập lậu, trong tháng 5/2009, các cán bộ Công an TP Móng Cái đã liên tục phát hiện, bắt giữ hai vụ trứng nhập lậu với số lượng lớn.

Số lượng gà, trứng gà nhập lậu tiếp tục bị phát hiện với số lượng hàng trăm tấn mỗi năm qua khu vực biên giới Quảng Ninh. Điều này rất rõ qua số liệu chưa đầy đủ mà Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh thống kê từ đầu năm đến nay, đã bắt giữ gần 50 vụ, tiêu hủy trên 40 tấn gia cầm và hàng chục ngàn quả trứng nhập lậu.

Theo lời khai của các đối tượng, gà nhập lậu luôn đi theo con đường tiểu ngạch, lối mòn qua biên giới vào Việt Nam. Với thủ đoạn chia nhỏ các lô hàng gà, trứng, thuê rất nhiều "cửu vạn" gánh qua lối nhỏ có sự cảnh giới của số đông người - "chim lợn" ở nhiều vị trí nên không khó khăn khi vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhưng để số lượng gà, trứng gia cầm lọt qua biên giới lớn như vậy còn phải kể đến kẽ hở trong phòng, chống buôn lậu nơi đây dẫn đến chỗ bọn buôn lậu lợi dụng.

Thực tế, khu vực Móng Cái có trên 70km đường biên, trong đó có 50km trên bộ và hơn 20km đường biên trên biển. Theo một lãnh đạo Chi cục Thú y Quảng Ninh, kết quả công tác phát hiện, bắt giữ gia cầm nhập lậu chủ yếu mới dừng trên bộ, còn trên biển số vụ bị phát hiện rất ít nếu không nói là nhiều thời điểm chưa thể kiểm soát được.

Một nguyên nhân khác, giá gà, trứng mà các đối tượng buôn lậu thu gom từ bên kia biên giới chỉ có mức 20 đến 24 ngàn đồng/kg. Nếu chuyên chở qua biên giới, trốn được thuế vào đất liền Việt Nam giá tăng lên 45 đến 60 ngàn đồng, gấp 2 đến 3 lần giá mua. Lợi nhuận quá cao khiến các đối tượng dù bị xử lý vẫn tìm mọi cách nhập lậu gia cầm.

Việc đấu tranh ngăn chặn gia cầm nhập lậu ngay từ biên giới kém hiệu quả, còn liên quan đến chế tài xử lý, đặc biệt là thủ tục xử lý bằng hình thức hủy các lô gia cầm nhập lậu.

Thực tế, vì lợi nhuận qua buôn bán gà quá cao nên các hình thức phạt tiền không có sức răn đe mạnh các chủ buôn. Cách giữ ôtô chuyên chở cũng không mấy tác dụng, vì bọn chúng thường sử dụng xe máy, ôtô cũ nát không đáng tiền để chở hàng lậu.

Nhưng có một nguyên nhân thuộc về chủ quan của các lực lượng đấu tranh chống gia cầm nhập lậu. Đó là, công tác xử lý các lô hàng gà, trứng nhập lậu rất chậm, tốn kém và không hiệu quả.

Thượng tá Lê Thanh Bình, Trưởng Công an TP Móng Cái thẳng thắn nêu vấn đề: Công tác phát hiện, bắt giữ các lô gia cầm nhập lậu đã khó khăn, nhưng việc xử lý tang vật liên quan đến những vụ việc này còn kéo dài và phức tạp hơn nhiều. Theo quy định, sau khi bắt giữ gia cầm nhập lậu phải thành lập hội đồng tiêu hủy, bao gồm nhiều ngành liên quan.

Ngay việc tổ chức các cuộc họp hội đồng, đánh giá phân loại các lô hàng gia cầm, đưa ra hình thức xử lý, chuẩn bị địa điểm, dự trù kinh phí đào hố, chôn hay đốt… đã mất hàng tháng trời.

Qua tìm hiểu, việc tiêu hủy một tấn gà nhập lậu tốn kém ít nhất trên chục triệu đồng, chưa kể những chi phí gián tiếp như tổ chức họp liên ngành, tài liệu in ấn… Nghĩa là mỗi năm, TP Móng Cái phải tiêu hủy cả trăm tấn gia cầm nhập lậu, con số chi phí lên đến cả tỷ đồng, thật không nhỏ.

Hậu quả của việc tiêu hủy hàng trăm tấn gia cầm mỗi năm tại thành phố du lịch như Móng Cái hay một số thành phố dọc biên giới là không nhỏ. Thứ nhất, việc chôn hay đốt số lượng lớn gia cầm sẽ ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước của thành phố; diện tích đất canh tác cũng bị thu hẹp tại những nơi làm hố chôn gia cầm. Vì thế, cần nghiên cứu cách xử lý khác để hạn chế hậu quả tác hại này.

Thượng tá Lê Thanh Bình đề xuất, một mặt tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu, nhất là vùng địa hình hiểm yếu.

Nhưng mặt khác, nên đặt trạm kiểm soát thú y, thiết bị kiểm dịch tại biên giới để phân loại, ngăn chặn dịch bệnh ngay từ bên ngoài, hạn chế số lượng gia cầm phải hủy. Làm được như thế, sẽ góp phần thúc đẩy công tác đấu tranh chống buôn lậu, hạn chế những cuộc họp, tiết kiệm chi phí cho các cuộc tiêu hủy gia cầm nhập lậu

Nhóm PVPL
.
.
.