Bất cập về thuế xăng dầu: Liên Bộ đùn đẩy

Thứ Năm, 24/03/2016, 13:19
Câu chuyện bất cập về cách tính thuế xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở khiến người tiêu dùng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng tuy đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cách thức xử lý, nhưng vẫn chưa kết thúc.

Ngay sau khi Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lên tiếng cho rằng…., Bộ Công Thương cũng đã có văn bản phản hồi với nội dung ngược lại.

Trao đổi với PV báo CAND bên lề Quốc hội, Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng khó “cá thể hóa” trách nhiệm, và điều này một lần nữa cho thấy sự bất ổn trong cách điều hành mặt hàng này.

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, phản hồi lại phát biểu của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi trên báo chí cho rằng chậm trễ trong việc đề xuất cách tính thuế mới trong công thức tính giá cơ sở là trách nhiệm của Liên Bộ, nhưng Bộ Công Thương vẫn là cơ quan được giao chủ trì trong điều hành xăng dầu. Công văn Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền ký gửi đi chiều 23/3 cho rằng đại diện Bộ Tài chính “chưa hiểu đúng về chức năng phối hợp xây dựng chính sách và điều hành giá xăng dầu”.

Đại biểu Bùi Đức Thụ.

Tại công văn, Bộ Công Thương cũng nêu rõ: "Với vai trò phối hợp, liên quan đến chính sách thuế, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần có công văn đề nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề này", đồng thời dẫn hàng loạt ví dụ.

Từ năm 2015 đến tháng 3 năm nay, đã có tới 11 công văn liên quan đến chính sách thuế xăng dầu đã được gửi tới Bộ Tài chính để đề nghị xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc về thuế đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất và ảnh hưởng của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Bộ Công Thương cho rằng Bộ “đã tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ". Đặc biệt, Bộ này nhấn mạnh: "Điều 36, Điều 40 của Nghị định 83 đã quy định rõ về vai trò chủ trì của Bộ Tài chính trong việc phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu và hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu" và việc tính giá của Tổ liên ngành về giá xăng dầu là theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, tức là áp dụng thuế MFN.

Theo đó, Bộ Công Thương đã "đề nghị đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế tích cực trao đổi thông tin với Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu" để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu của hai bộ có hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần sớm các giải pháp tổng thể xử lý hài hoà việc giảm thuế nhập khẩu theo các FTA đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, DN, người tiêu dùng.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này bên lề Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ cho rằng “Theo Nghị định 83, giao Bộ Công thương chủ trì, bộ Tài chính tham gia điều hành xăng dầu là đã rõ. Nếu mà từng anh một đùn đẩy, thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm”.

Đánh giá tích cực việc lỗ hổng đã được phát hiện và đã có quy định sửa, đại biểu Bùi Đức Thụ nhấn mạnh “vấn đề còn lại là chỗ 3.500 tỷ hay bao nhiêu đó phải thanh tra, kiểm tra kết luận rõ. Định hướng xử lý phải có. Phần lợi nhuận tăng, thuế thu nhập DN đầu vào cũng phải tăng là theo luật. Còn lại phần chênh lệch đó xử lý thế nào, làm rõ cơ sở pháp lý, nếu nó rõ rồi thì đưa vào quỹ bình ổn xăng dầu. Nếu đưa vào được cũng chính là điều hòa giá xăng dầu trong thời gian tới, người dân thiệt  giai đoạn trước thì được hưởng giai đoạn sau thôi, chứ hoàn trả trực tiếp là không hoàn trả được. Việc con số là bao nhiêu phải làm rõ từ cơ cấu nhập dầu, xem C/O xuất xứ hàng hóa của từng thị trường, khối lượng bao nhiêu, giá bao nhiêu và bây giờ chênh lệch thuế là bao nhiêu. Cái đó là cơ quan nghiệp vụ phải làm. Chưa có báo cáo số liệu thực tiễn, Quốc hội cũng không làm thay Chính phủ được”.

Đặt vấn đề rộng hơn, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng “Vấn đề đặt ra ở đây là đứng trước một bất cập phải làm rõ nguyên nhân. Nguyên nhân về phía Nhà nước là ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp. Phải nói cho sòng phẳng là DN chỉ tuân thủ quy định, họ không có lỗi. Trước hết trách nhiệm khẳng định thuộc về hai bộ quản lý Nhà nước. Nhiều người hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Thì trách nhiệm thuộc về người ban hành, ai ban hành người đó chịu trách nhiệm thôi. Có thể cá thể hóa trách nhiệm được không, vì ta giao cho 2 Bộ. “Cá thể hóa trách nhiệm tôi cho rằng khó bởi ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên nguyên tắc là chế độ tập thể” – ông Bùi Đức Thụ nhận định.

Liên quan đến việc điều hành mặt hàng này trong tương lai, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng phải rà lại, các văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, xem xem ngoài việc xác định giá cơ sở chưa phù hợp thì còn cái gì không phù hợp, để sửa luôn cho hoàn thiện cơ chế. Mục tiêu cuối trong giai đoạn tới làm sao việc quản lý thị trường nói chung, quản lý giá xăng dầu nói riêng đừng để những trục trặc, đừng tạo ra việc các tổ chức cá nhân thu lợi mà không dựa vào đóng góp, công sức đầu tư cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính tổ chức, cá nhân đó. “Nếu tốt hơn nữa thì các bộ nên rà soát lại, kiểm điểm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm, đừng để sơ xuất lại xuất hiện trong thời gian tới. Trách nhiệm từng bộ đến đâu thì phải căn cứ vào pháp luật, ngoài luật tổ chức Chính phủ ra thì còn Nghị định 83, còn quy trình thủ tục phải tuân thủ theo”.

Vũ Hân
.
.
.