Bất cập trong việc sử dụng máy soi container trị giá 13 triệu USD

Thứ Sáu, 02/09/2011, 08:24
Sau nhiều năm nỗ lực, kiến nghị, đề xuất, tháng 4/2011, Cục Hải quan Hải Phòng (HQHP) chính thức đưa máy soi container vào hoạt động. Đây được xem là công cụ đắc lực trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại (BL-GLTM) trên lĩnh vực hải quan. Song, mới chỉ qua 3 tháng hoạt động, quy trình "soi" đã bộc lộ nhiều bất cập. Doanh nghiệp cho là quá phiền hà, còn hải quan vẫn chưa thể vận hành đúng và hết công suất.

Rối tinh vì vận chuyển container đến máy soi

Trong mấy năm gần đây, lợi dụng chính sách thông thoáng, đổi mới thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa XNK ra vào Cảng Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành rất nhiều vụ nhập lậu hàng trốn thuế, hàng cấm bằng các thủ đoạn ngụy trang, che giấu hết sức tinh vi.

Ông Vũ Hoàng Dương, Đội trưởng Kiểm soát Hải quan - Cục HQHP từng nhiều lần giãi bày: Không có phương tiện chuyên dụng, việc điều tra, phát hiện chủ yếu từ các nguồn tin thu thập. Còn cách nào để xác định chính xác từng vụ việc quả là điều vô cùng khó khăn. Trong khi đó, chỉ cần 1 chiếc máy soi container, công tác chống BL-GLTM sẽ giản tiện chính xác hơn rất nhiều so với cách làm thủ công.

Để có được máy soi container đó, liên tiếp hai "đời" Cục trưởng (từ ông Mai Thế Huyên chuyển sang ông Nguyễn Tiến Lộc) đã phải kiên trì đề xuất suốt nhiều năm liền. Đến năm 2009, Nhật Bản đồng ý tài trợ không hoàn lại cho Cục HQHP một cỗ máy soi trị giá 13 triệu USD.

Việc dùng máy soi container tại Cảng Hải Phòng còn một số bất cập, phiền toái.

Đến tháng 4/2011, quy trình soi kiểm tra hàng hóa container được chính thức triển khai do Phòng Quản lý rủi ro - Cục HQHP đảm nhận. Những tưởng máy soi đi vào hoạt động, hàng hóa XNK ở Cảng Hải Phòng sẽ trở nên thông thoáng, nhanh gọn; doanh nghiệp làm ăn đứng đắn không sợ bị vạ lây vì "con sâu làm rầu nồi canh". Thế nhưng, mọi sự lại diễn ra theo chiều ngược lại.

Giám đốc một công ty chuyên làm hàng xuất khẩu ở Hải Phòng mới đây cho biết, vì máy soi container không nằm trong địa phận cảng nên muốn đem container đi soi, doanh nghiệp phải làm 2 lá đơn: 1 gửi cho hãng tàu xin phép cho mượn container mang đi soi; 1 gửi cho Chi cục Hải quan cửa khẩu tại các cảng xin được kéo container ra để làm thủ tục kiểm hóa (qua máy soi). Không chỉ có vậy, họ còn phải làm việc với cảng để được… "bố trí" thiết bị nâng hạ container, thuê xe vận chuyển từ bãi về khu vực đặt máy soi cùng hàng loạt các thủ tục...

Theo nhiều doanh nghiệp, quả là thời gian soi chiểu kiểm tra chỉ 10-15 phút, nhưng nếu tính cả các bước rút rồi lại nhập "công" thì lại vô cùng rối rắm, nhiêu khê, có khi mất cả ngày vẫn chưa xong việc.

Giờ thì các doanh nghiệp cho rằng, việc vận chuyển container từ cảng đến điểm đặt máy soi rồi mang hàng về mới là điều "đáng sợ" nhất. Bởi lẽ, hầu hết tàu vào cảng hiện nay đều phải cập ở khu vực Đình Vũ, nghĩa là phải theo đường 356 - nỗi ám ảnh cánh lái xe từ nhiều tháng nay về tình trạng ách tắc giao thông. Bởi có rất nhiều trường hợp hàng hóa kẹt giữa đường, đi cũng dở, ở không xong. Tổng hòa của những sự phiền phức này là... tiền. Vô hình trung, chi phí cho việc soi phải tốn trên 1 triệu đồng cho mỗi container.

Hải quan cũng bức xúc

Không chỉ các doanh nghiệp tỏ ra bức xúc về việc "soi" mà cả Hải quan cũng bấn loạn vì công tác soi kiểm container chưa thật sự mang lại hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chánh Văn phòng Cục HQHP thì máy soi container của HQHP là hệ thống cố định cỡ lớn, quy trình hiện đại, có thể soi cùng lúc 1 container 40 feet hoặc 2 container 20 feet đặt trên xe, công suất trung bình 150 xe/ngày. Tuy nhiên, từ ngày đưa vào vận hành đến nay chưa bao giờ máy soi được sử dụng đến… 1/5 công suất.

Cụ thể, Hải quan hiện mới chỉ có thể "soi" hàng xuất khẩu trọng điểm và một vài container hàng nhập khẩu trọng điểm trong ngày. Nguyên nhân chính như trên đã nói là hàng hóa một nơi, máy soi đặt một nẻo trong điều kiện giao thông vô cùng không thuận lợi. Thế nhưng, đề xuất thế nào Hải quan vẫn không được bố trí máy soi tại cảng chính mà chỉ được cấp ở một vị trí ven đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rất bất tiện cho vận hành.

Trong khi đó, Cảng Hải Phòng hiện đang nằm trong tình huống phải tự xé nhỏ ra thành nhiều cảng khác nhau, manh mún, rải rác. Nghiệp vụ, quy trình công tác Hải quan luôn phải bị động bố trí "chạy" theo cảng. Còn HQHP hiện không thể kiếm đâu ra tiền để bố trí mỗi cảng một máy soi. Giả sử nếu có tiền thì cũng không lấy đâu ra người để dàn ra khắp các cảng.

Sự bất tiện này đã được nhìn thấy trước. Nó không thuộc về "lỗi" của máy soi và cũng không thể nào cải tiến để giảm bớt nhiêu khê, rườm rà như doanh nghiệp và cả Hải quan mong muốn. Trừ phi, TP Hải Phòng trực tiếp can thiệp để có một vị trí thuận lợi nhất lắp đặt máy soi container ngay trong khu vực cảng

Lê Minh Triết
.
.
.