Bất cập trong việc chống hàng giả, hàng nhái

Thứ Năm, 25/12/2014, 09:56
Tại buổi hội thảo “Cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái khi đến Tết Nguyên đán” do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Phó GS.TS Đàm Thanh Thế nhận định, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái rất phức tạp, không chỉ trong nước sản xuất mà ngay cả nước ngoài cũng sản xuất hàng giả, hàng nhái mang thương hiệu Việt Nam…

Theo đánh giá của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội VATAP, tại Việt Nam vấn nạn hàng giả, hàng nhái không tập trung vào ngành nào, có hơn 31 ngành hàng bị làm giả, làm nhái. Trong đó, đứng đầu là mỹ phẩm.

Mỹ phẩm có tốc độ làm giả, làm nhái nhanh đến mức, nếu tháng đầu tiên chúng ta có sản phẩm ra thị trường và sản phẩm đó có uy tín thì ngay trong tháng thứ hai hàng giả đã xuất hiện tràn lan. Tiếp đến là nhóm hàng điện tử, điện lạnh, đồ nhà bếp, những mặt hàng nước giải khát, bia, rượu…

Ông Lê Thế Bảo cũng đã nêu ra những bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý, khiến nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn “đất sống”. Về luật pháp có 35 Nghị định, quy định về vấn đề chống hàng giả, hàng nhái và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có nhiều quy định bất hợp lý và chồng chéo nhau. Điển hình, như quy định ngành Y tế quản lý nước đóng chai, còn Bộ Công Thương thì quản lý nước giải khát.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì quản lý mặt hàng tinh bột, còn Bộ Công Thương thì quản lý tinh bột dinh dưỡng. Vậy thì mặt hàng nước đóng chai và nước giải khát khác nhau cái gì? Tinh bột và tinh bột dinh dưỡng khác nhau chỗ nào? Quy định này thì bảo bắt được hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ thì cho tịch thu và tiêu hủy, nhưng quy định khác thì lại nói cho loại trừ yếu tố vi phạm”. Như vậy, loại trừ yếu tố vi phạm có nghĩa là được sử dụng… Còn các cơ quan thực thi thì hiện nay có đến 7 lực lượng: Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Thuế và các thanh tra liên chuyên ngành. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bảo, mặc dù có nhiều lực lượng chống hàng giả, hàng nhái nhưng… không mạnh và các ngành này chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Vì thế, hầu hết các vụ hàng gian, hàng giả, khi bị phát hiện chỉ là giải quyết phần ngọn chứ chưa triệt được tận gốc.

Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cho rằng, “mặc dù lực lượng quản lý kiên quyết chống hàng giả song tình hình không giảm là bao. Đặc biệt, càng những ngày gần Tết Nguyên đán thị trường bia – rượu – nước giải khát càng phức tạp với những sản phẩm làm giả”. Ông Lê Thế Bảo cũng lo ngại, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, VATAP sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường công tác đấu tranh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái và hàng giả.

Theo ý kiến của Phó GS.TS Đàm Thanh Thế, để chống hàng giả, hàng nhái, ngoài các cơ quan chức năng, Hiệp hội thì doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vấn đề là tuyên truyền làm sao cho doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, tức là sản phẩm của doanh ngiệp khi đưa ra thị trường thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm giám sát chứ không phải cứ bỏ hàng ra bán rồi thu lời. Nhất là nhóm doanh nghiệp có thương hiệu rất dễ bị nhóm đối tượng làm giả làm nhái, nếu không kiểm soát được thì doanh nghiệp sẽ mất uy tín, quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Còn phía người tiêu dùng, cần tuyên truyền để họ không tiếp tay, không bao che, mua bán các sản phẩm làm giả, làm nhái, thậm chí có người tặng cũng không sử dụng.

T.Hà
.
.
.