Bao giờ mới hết ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu Tân Thanh?

Thứ Tư, 11/02/2015, 09:15
Như Báo CAND đã đưa tin, những ngày gần đây, tình trạng hàng hóa ùn ứ lại tái diễn ở cửa khẩu Tân Thanh. Trước thực tế này, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc với mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng được 80% nhu cầu hàng hóa. Như vậy, tình trạng hàng hóa ùn tắc vào thời gian cao điểm vẫn chưa thể chấm dứt trong tương lai gần.

Theo tin từ Cục Hải quan Lạng Sơn, một tuần trở lại đây, hiện tượng ùn ứ hàng hóa lại xuất hiện ở cửa khẩu.

Cao điểm nhất, hàng nghìn ôtô xếp hàng dài đến 40km từ cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đến tận khu vực Tam Lung (huyện Cao Lộc) để đợi xuất hàng sang Trung Quốc.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 10/2, ông Chu Bá Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, đến nay hàng hóa đã được giải tỏa, không còn tình trạng ùn tắc do cận Tết, hàng ở miền Nam không đưa ra nhiều.

Tuy nhiên, những ngày trước đó, cao điểm có lúc hàng ra đến 500 xe/ngày, trong khi năng lực giải tỏa của phía Việt Nam và phía Trung Quốc cũng chỉ tiếp nhận khoảng 300 xe/ngày, dẫn đến tình trạng ùn tắc.

Thời tiết khắc nghiệt như sương mù, gió rét và mưa gây rất nhiều khó khăn cho các tài xế và chủ hàng. Rất may hiện nay trời lạnh nên hàng nông sản bảo quản được lâu hơn, chưa có tình trạng thối, hỏng, bị ép giá.

Tình trạng này không còn là điều gì mới mẻ, mỗi năm đều xảy ra vài lần, trong đó có nguyên nhân từ việc hệ thống kho bãi tại cửa khẩu của Việt Nam quá yếu.

Ý thức được vấn đề này, vào đầu tháng 2, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, với mục tiêu xây dựng mới 53 kho bãi tại các cửa khẩu, với diện tích hơn 1.000km2.

Bộ Công Thương xác định phát triển hệ thống kho bãi trở thành một trong các cơ sở hạ tầng thương mại nòng cốt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ cùng với tích hợp các dịch vụ logistics trọn gói kèm theo, từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết lưu giữ và bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh và bền vững. Điều này vừa giúp DN có điều kiện bảo quản hàng hóa, giữ được chất lượng và tránh bị ép giá, thậm chí nông sản thối, hỏng, đổ đi hàng loạt như đã từng xảy ra.

Quy hoạch xác định, tại các cửa khẩu có quy mô xuất nhập khẩu lớn, triển vọng tăng trưởng cao, mang tính ổn định sẽ hình thành các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng; từng bước liên kết và hợp nhất thành các khu, cụm kho bãi tập trung, kiên cố, hiện đại và chuyên nghiệp.

Tại các cửa khẩu còn lại, khối lượng hàng hóa không lớn và thiếu tính ổn định, sẽ xây dựng các kho bãi nhỏ và vừa, bán kiên cố, năng động, linh hoạt về công năng và mục đích sử dụng, trong đó chú trọng đến bãi đỗ xe, phục vụ chủ yếu hoạt động của thương nhân nhỏ lẻ và cư dân biên giới.

Từ nay đến 2025 sẽ tập trung củng cố, cải tạo, di dời hoặc điều chỉnh công năng và mục đích sử dụng các kho bãi hiện hữu, đồng thời xây mới một số kho bãi lớn.

Cụ thể, khoảng 53 kho bãi mới sẽ được xây dựng với tổng diện tích hơn 1.277 km2, trong đó nhiều nhất là Lạng Sơn với 17 kho, tiếp đó là Lào Cai và Quảng Ninh.

Tuy vậy, dù quy hoạch có được thực hiện thành công thì đến năm 2025 cũng mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đến năm 2035, hệ thống kho bãi mới có thể đáp ứng được 100% nhu cầu của hàng hóa. Đó là chưa kể đến nguồn vốn đầu tư hiện mới chỉ được “xác định cơ bản” là của DN thuộc các thành phần kinh tế, nhà nước sẽ có hỗ trợ bằng chính sách, hỗ trợ một phần vốn hoặc tập trung giải quyết các khâu thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng...

Phát biểu quan điểm về vấn đề này, ông Chu Bá Toàn cho rằng, phát triển thêm kho bãi là quá tốt. Tuy nhiên, vấn đề giải tỏa hàng còn phụ thuộc vào việc đàm phán với phía Trung Quốc, vì hiện nay họ chỉ tiếp nhận một số lượng hàng hóa nhất định. Sự điều tiết luồng hàng lên biên giới cũng là rất quan trọng, để tăng tính chủ động của phía Việt Nam.        

Hân Hiệp
.
.
.