Hơn 60 tấn bánh mứt kẹo nhập lậu bị phát hiện, bắt giữ ở Hà Nội:

Bánh mứt kẹo “ba không” vẫn tràn thị trường

Thứ Hai, 06/01/2014, 07:30
Tương tự, bánh kẹo, mứt Tết “ba không” bày bán nhiều ở một số chợ trong nội thành, một số quầy bánh kẹo và đặc biệt ở khu vực ngoại thành. Tại một hàng bánh kẹo trong chợ Bưởi, chúng tôi cũng bắt gặp bán nhiều bánh, kẹo cân “ba không” nhưng chủ hàng lại giới thiệu là bánh kẹo nhập khẩu. Cửa hàng ở chợ Làng Hồ, Thụy Khuê bày ô mai, mứt Tết trong rổ, chỉ ghi tấm biển “ô mai Hàng Đường” mà chẳng hề có nguồn gốc, hạn sử dụng.

Bánh kẹo, mứt Tết đã vào mùa cao điểm, hàng hóa tràn ngập trên thị trường. Năm nay đã xuất hiện bánh kẹo nước ngoài sản xuất nhưng lại “nhái” nhãn mác của một số thương hiệu uy tín của Việt Nam. Trên thị trường hiện đang bày bán nhiều loại bánh kẹo, mứt Tết “ba không” khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Bánh mứt kẹo “ba không” có mặt trên thị trường

Dạo quanh một vòng ở các siêu thị lớn, năm nay chúng tôi chưa thấy bóng dáng các loại bánh, mứt, kẹo "ba không" (không nhãn mác, không nơi xuất xứ, không hạn sử dụng) như những năm trước. Nhưng khi tới chợ đầu mối Đồng Xuân, một trong những chợ bán buôn lớn nhất của Hà Nội, chúng tôi vẫn thấy đầy ắp loại hàng hóa này. Bánh kẹo “ba không” có nhiều chủng loại, mẫu mã và màu sắc bắt mắt, được bán theo cân với giá rẻ, được bày ê hề trong các túi nilon, rổ đại... để người tiêu dùng thỏa thích chọn.

Vừa bước vào cổng chợ Đồng Xuân, chúng tôi được mời chào mua các loại mứt Tết khá rôm rả. Mứt Tết để trong rổ, bày bán không che đậy. Từ ô mai gừng, ô mai mặn, mứt táo, mận… chỉ được biết bởi tấm bìa ghi tên, còn lại không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đặc biệt, trong các rổ còn bày bán khá nhiều loại mứt với những tên gọi hấp dẫn, nhuộm màu đỏ, vàng sặc sỡ. Vì là giáp Tết nên người mua buôn khá đông. Một chị khách hàng cho biết: “Cái này bán ở nông thôn chạy lắm, họ có đòi hỏi nhãn mác đâu nên tôi toàn nhập ở đây đem về bán”.

Vào thời điểm này, bánh kẹo, mứt Tết, nước giải khát bày bán tràn ngập ở tuyến phố Hàng Buồm, Hàng Giầy. Bánh kẹo được bán rời tính theo cân. Bên cạnh hàng trong nước sản xuất, ở đây có nhiều bánh kẹo bán theo cân không có nhãn mác tiếng Việt. Chúng tôi xem kỹ thì thấy có nhiều loại in chữ nước ngoài trên vỏ, nhưng không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Thậm chí, nhiều loại kẹo không hề có hạn sử dụng.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hàng Tết dịp cuối năm.

Theo chủ hàng thì hạn sử dụng in trên vỏ thùng và khẳng định đây là kẹo nhập khẩu, cứ yên tâm. Giá bán các loại bánh kẹo rời năm nay không tăng so với năm ngoái như kẹo gôm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, kẹo hương vị hoa quả từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, kẹo nhân hạt điều hoặc socola có giá khoảng 70 - 80.000 đồng/kg, bánh quy trần (không bao bì) 25.000 đồng/kg; bánh quy xốp có bao bì cho từng chiếc bánh 40.000 đồng/kg; hạt dưa 40.000 đồng/kg... Có lẽ với giá thành rẻ nên nó vẫn được một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn.  

Tương tự, bánh kẹo, mứt Tết “ba không” bày bán nhiều ở một số chợ trong nội thành, một số quầy bánh kẹo và đặc biệt ở khu vực ngoại thành. Tại một hàng bánh kẹo trong chợ Bưởi, chúng tôi cũng bắt gặp bán nhiều bánh, kẹo cân “ba không” nhưng chủ hàng lại giới thiệu là bánh kẹo nhập khẩu. Cửa hàng ở chợ Làng Hồ, Thụy Khuê bày ô mai, mứt Tết trong rổ, chỉ ghi tấm biển “ô mai Hàng Đường” mà chẳng hề có nguồn gốc, hạn sử dụng. Nắm bắt nhu cầu một bộ phận người tiêu dùng thích mua bánh kẹo cân, nên một số cửa hàng đã trà trộn loại nhập lậu, không nhãn mác, nguồn gốc vào bán.

Nhái nhãn mác: phải tăng cường kiểm tra

Ngay từ tháng 11/2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, đặc biệt phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực phẩm “ba không” vẫn xâm nhập và có mặt trên thị trường.

Kẹo nhập lậu bị Đội QLTT số 2 thu giữ.

Theo Phòng Nghiệp vụ, Chi cục QLTT Hà Nội thì các kho hàng, bến bãi là nơi chứa nhiều hàng hóa nhập lậu để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán nên mục đích của đợt kiểm tra là tập trung vào các địa điểm này. Từ tháng 11/2013 đến nay, lực lượng QLTT Hà Nội đã bắt giữ hàng chục vụ liên quan đến thực phẩm nhập lậu, thu giữ gần trăm tấn hàng.

Ngày 2/1, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an kiểm tra kho hàng ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm phát hiện trên 50 tấn bánh kẹo, ô mai, nho khô, mứt… đóng trong hàng nghìn thùng carton, bao tải gắn mác Trung Quốc. Điều bất ngờ là nhiều thùng bánh kẹo bên ngoài vỏ thùng in chữ Trung Quốc, nhưng khi bóc rời từng hộp sản phẩm ra kiểm tra thì tem nhãn từng hộp lại in chữ tiếng Việt. Theo nhận định của cơ quan QLTT thì nhiều mặt hàng của Việt Nam đang bị một số nhà sản xuất Trung Quốc nhái nhãn mác.

Theo ông Phan Thanh Phong, Đội trưởng Đội QLTT số 8 thì công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm Tết đặc biệt được chú trọng, nhất là khu vực xã Ninh Hiệp, nơi tập trung buôn bán nhiều hàng hóa Tết. Mới đây, Đội QLTT số 8 cũng phối hợp kiểm tra phát hiện trên 2,2 tấn nho khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên xe ôtô tải. Đầu tháng 1/2014, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra 3 xe ôtô BKS 16M-7317, 15C-012.74 và 15C-011.43 đi từ quận Long Biên vào nội thành, phát hiện gần 7 tấn hàng hóa gồm bánh kẹo, sữa đóng hộp, ô mai, rượu ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sản phẩm bánh kẹo có uy tín trong nước đang bị làm nhái, đây là điều gây lo ngại cho người tiêu dùng. Nếu lực lượng chức năng chỉ kiểm tra các kho hàng, bến bãi, nơi tập kết thôi thì chưa đủ mà cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm khâu lưu thông, kinh doanh nhằm ngăn ngừa bánh kẹo “ba không”, bánh kẹo nhái nhãn mác hàng Việt một cách tinh vi để thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì người tiêu dùng khi chọn mua bánh, kẹo, mứt Tết nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng, nên mua ở những đại lý, siêu thị, cửa hàng uy tín... Các loại bánh, mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng; đặc biệt các loại hạt dưa có màu đỏ hay hồng tươi, bị cháy đen là do nhuộm phẩm màu, hóa chất đã bị cấm bán nên người tiêu dùng hết sức cảnh giác

Trần Hằng
.
.
.