Ban hành luật riêng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đã đến lúc cần tính tới việc soạn thảo và ban hành một luật chuyên biệt về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế quan trọng này. Đó là ý kiến đề xuất được nhiều chuyên gia thống nhất đưa ra trong việc tìm giải pháp về chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả DNNVV.
Theo đánh giá chung của Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua, các chính sách và quy định trợ giúp DNNVV được Chính phủ cũng như các cơ quan bộ, ngành ban hành khá nhiều, trong đó phải kể tới Nghị định số 56/2009/NĐ-CP gồm một số nhóm chính sách như trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường, bảo lãnh cho vay…
Theo đó, khu vực DNNVV với tỷ lệ hiện chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của nền kinh tế đã được bảo lãnh vay trên 15 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, với kinh phí trung bình 100 tỷ đồng mỗi năm, đã có 100 đề án xúc tiến xuất khẩu được hỗ trợ, trong đó 90% là của DNNVV. Ngoài ra một số địa phương cũng dành một phần ngân sách để hỗ trợ DN trong xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế và chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ các DNNVV do phần lớn đều nằm trong hệ thống chính sách hỗ trợ chung cho DN, do đó chưa tập trung vào đúng đối tượng cần hỗ trợ là DNNVV.
“Để khắc phục tình trạng này, đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng nhằm hỗ trợ DNNVV, đảm bảo tính đồng bộ và có tính pháp lý cao nhất, tạo được cơ chế giám sát, triển khai thực thi thống nhất cũng như đánh giá được hiệu quả thực hiện các chương trình hỗ trợ cho các DNNVV”, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT đề xuất.
Đồng quan điểm trên, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề xuất cần nghiên cứu lập ra một thiết chế riêng biệt và áp dụng chính sách sao cho phù hợp đặc điểm, nhu cầu của DNNVV, tránh những quy định chung cho nhiều đối tượng DN, từ đó vực dây nhóm DN có quy mô nhỏ này nhưng lại đóng góp lớn vào nền kinh tế.
Theo bà Hằng, hiện nay, vẫn chưa có các tiêu chí đánh giá cũng như cách tiếp cận chuẩn xác trong việc đánh giá các tiêu chí xây dựng chính sách phù hợp với đối tượng DNNVV. “Nếu không có cách tiếp cận khoa học và căn bản thì việc đánh giá và xây dựng chính sách hỗ trợ sẽ rất khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta nhiều năm nay cứ mãi loay hoay với các chính sách hỗ trợ các DNNVV mà không có hiệu quả trên thực tiễn”, bà Hằng khẳng định.
Cũng theo bà Hằng, song song với việc ban hành luật riêng hỗ trợ DNNVV, cần tạo lập môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế và coi đây là bệ đỡ thiết yếu để hỗ trợ DNNVV có động lực phát triển. Bởi hiện vẫn tồn tại một thực tế hiện hữu là DN dân doanh, DNNVV chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối DNNN và doanh nghiệp FDI. Nói cách khác, hiện nay đang có khuynh hướng xuất hiện chủ nghĩa “thân hữu”, đó là một số nhóm DN có mối quan hệ thân thiết với địa phương được hưởng những ưu đãi đặc biệt nên càng khiến các DN quy mô nhỏ khó có thể cạnh tranh