Từ vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ của các doanh nghiệp Việt Nam:

Bài học vỡ lòng cho việc đi “kiện ngược”

Thứ Hai, 22/09/2014, 09:17
Năm 2004, Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam ra đời. 11 năm sau, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương mới tiếp nhận vụ kiện đầu tiên đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Kết thúc vụ kiện, nguyên đơn là những công ty sản xuất thép cán nguội không gỉ của Việt Nam thắng kiện.

Bình luận về sự kiện này, các chuyên gia trong lĩnh vực chống bán phá giá (CBPG) của Việt Nam cho rằng: Từ khi Pháp lệnh Chống bán phá ra đời (2004) đến nay, công cụ phòng vệ thương mại này lần đầu tiên đã được phát huy tác dụng.

Tại Hội thảo về điều tra CBPG ở Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, TS Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, đơn vị trực thuộc VCCI cho biết: Sau hơn 1 năm theo đuổi vụ kiện, nguyên đơn là những công ty sản xuất thép cán nguội không gỉ của Việt Nam đã thắng trong vụ kiện đầu tiên đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Sự việc bắt đầu từ đầu tháng 6/2013, khi Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra việc bán phá giá sản phẩm nói trên của một số công ty trong nước đối với DN Trung Quốc, Đài Loan, IndonesiaMalaysia. Sau đó 1 tháng, Bộ Công Thương đã quyết định tiến hành điều tra vụ việc. Dựa trên những kết quả và tính toán chính xác, hợp lý, Bộ Công Thương ra quyết định cuối cùng và xác định, một số công ty của các nước và vùng lãnh thổ đã bán phá giá sản phẩm thép không gỉ; hoặc được DN, đại lý khác mua lại rồi bán vào thị trường Việt Nam, với biên độ bán phá giá từ 3,07% đến 37,29%.

Từ đó, Bộ quyết định áp dụng mức thuế suất CBPG từ 3,07% đến 37,29% đối với DN vi phạm, với thời hạn 5 năm kể từ ngày 5-10-2014. Cơ quan điều tra đã xác định rõ, có tồn tại việc bán phá giá; tồn tại thiệt hại, đe dọa đáng kể đối với ngành sản xuất thép không gỉ trong nước. Tuy nhiên, theo quy định chung, sau 1 năm thì DN thuộc cả hai phía nguyên đơn và bị đơn đều có quyền đề nghị việc xem xét lại mức thuế suất trên nếu đưa ra được những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục.

Bình luận về vụ kiện này, TS Trang cho rằng: Đây là vụ kiện CBPG đầu tiên của DN Việt đối với các DN nước ngoài và đã thành công, sau quá trình vào cuộc đầy khó khăn, thách thức; kể cả những bỡ ngỡ của cơ quan thực hiện điều tra. Các cán bộ đã làm việc khẩn trương, có trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như Bộ Tài chính, ngành Hải quan, cơ quan ngoại giao… để tìm hiểu vấn đề, thu thập số liệu để bóc tách, so sánh.

Trong đó, việc tiếp cận, thu thập và xử lý thông tin đối với DN nước ngoài là đối tượng bị đơn không hề dễ dàng, thậm chí có DN từ chối hợp tác. Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cũng chia sẻ: Do đây là vụ kiện đầu tiên nên khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã chủ động tổ chức một số cuộc tham vấn với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia cũng nhận xét, tất cả những việc làm liên quan đều nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN nội trước sự vi phạm của DN ngoại, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, phù hợp thông lệ quốc tế. Quan trọng hơn, đây là tiền lệ mới được xác lập sau nhiều năm DN nội bị kiện cũng như bị động trước các vụ kiện của DN ngoại. Từ việc thành công của vụ kiện trên, các chuyên gia về CBPG cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo giúp DN Việt có thể thành công khi tham gia “kiện ngược” DN ngoại ngay trên thị trường nội địa.

Vấn đề là DN trong nước trước khi quyết định khởi kiện CBPG cần chuẩn bị thật tốt hồ sơ, theo nguyên tắc càng đủ càng tốt. Đặc biệt, cần chủ động đề xuất thêm ý kiến và thực hiện việc hợp tác chặt chẽ, liên tục với cơ quan chức năng trong suốt quá trình điều tra. Hơn thế, việc nghiên cứu văn bản, quy định quốc tế về vấn đề liên quan hoặc thuê tư vấn thuế, luật sư cũng hết sức cần thiết. Xa hơn, DN được khuyến nghị cần thành lập bộ phận chuyên trách về pháp chế tại đơn vị mình để có sự chủ động với các tình huống khó ngay từ cơ sở

Huyền Thanh - Lưu Hiệp
.
.
.