Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thuế tài nguyên mỗi năm: Lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng

Bài cuối: Minh bạch để chống thất thu thuế

Thứ Sáu, 14/11/2014, 15:14
Quản lí, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản đang trở thành định hướng và chiến lược của ngành khai khoáng. Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập hiện nay, giúp nguồn tài nguyên biến thành của cải phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân, ngành khai khoáng cần những giải pháp đột phá, trong đó có yêu cầu minh bạch hóa thông tin.
>> Bài 3: Nguy cơ rơi vào bẫy "lời nguyền tài nguyên"

Hạn chế cấp phép mới, xóa bỏ cơ chế xin – cho

Một thời gian dài, cơ chế xin – cho đã khiến cho việc cấp phép khai thác khoáng sản diễn ra ồ ạt tại các địa phương. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, cơ chế xin – cho sẽ bị xóa bỏ, thay vào đó sẽ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá hoặc không đấu giá. Điều này sẽ góp phần tăng hiệu quả nguồn thu ngân sách, đồng thời cho phép lựa chọn những tổ chức, cá nhân thực sự có năng lực về tài chính, khả năng về công nghệ, hạn chế tình trạng mua bán giấy phép, chuyển nhượng dự án.

“Đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản là đầu tư mang tính dài hạn, có nhiều rủi ro. Mỏ càng có giá trị, đặc biệt là các mỏ kim loại có nguồn gốc nội sinh thì thời gian thăm dò càng lớn, có khi lên tới 7-10 năm. Chi phí cho việc thăm dò cũng rất lớn, thậm chí lên tới cả triệu USD. Điều kiện khai thác càng khó khăn thì chi phí khai thác càng lớn. Chất lượng khoáng sản càng thấp thì chi phí cho khâu tuyển càng cao. Do vậy đòi hỏi những doanh nghiệp khai khoáng phải là những doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, với cách tính thuế hiện nay (không phân biệt điều kiện khai thác, địa bàn tiêu thụ) đã vô tình đẩy doanh nghiệp chỉ đầu tư vào các mỏ có điều kiện thuận lợi hoặc chỉ khai thác các vị trí có hàm lượng cao, “quặng giàu” để giảm chi phí, lợi nhuận cao ” – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nói.

Minh bạch hóa thông tin ngành khai khoáng

Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được coi là mấu chốt để các quốc gia quản lí nguồn tài nguyên khoáng sản một cách chặt chẽ, hiệu quả. EITI được cựu Thủ tướng Anh Tony Blair giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2002. Nguyên tắc của EITI là công khai các thông tin về hoạt động khai khoáng như hợp đồng, giấy phép, sản lượng khai thác cũng như các khoản đóng góp với sự giám sát của cơ quan độc lập. Tính đến tháng 7/2014, thế giới đã có 45 quốc gia cam kết thực hiện EITI. Trong khu vực ASEAN, các quốc gia thực hiện EITI gồm Indonesia, Đông Timor, Philippines và Myanmar. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2009 thông qua việc tham dự Hội nghị toàn cầu EITI lần thứ 4 tại Doha. Sau đó, Bộ Công Thương được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI. Tuy nhiên, sau 5 năm, hiện Việt Nam vẫn chưa chính thức cam kết thực thi EITI.

Bà Trần Thanh Thủy – điều phối viên Liên minh Khoáng sản cho biết: “Hiện nay, những yếu kém của ngành khai khoáng Việt Nam chủ yếu xuất phát từ chỗ các thông tin thiếu minh bạch, đặc biệt ở khâu cấp phép, giám sát sản lượng, quản lí nguồn thu…Việc tham gia EITI sẽ giúp Việt Nam có được công cụ để minh bạch hóa ngành khai khoáng, tăng cường sự giám sát của nhân dân, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên”.

Nhiều mỏ sau khi khai thác đã trở thành những bãi đổ nát khổng lồ.

Phải làm tốt khâu “hậu kiểm”

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp khai khoáng đang phải đóng các loại thuế, phí: Thuế tài nguyên, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, phí độc quyền thăm dò khoáng sản, phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế là phù hợp với nền quản lý tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải làm tốt khâu hậu kiểm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh gian lận. Hoạt động khai khoáng phải làm chặt từ khâu cấp phép, đánh giá trữ lượng, sản lượng khai thác. Khi số liệu chuẩn xác, rõ ràng thì sẽ không có cơ hội cho doanh nghiệp gian dối.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) thì nhấn mạnh, việc thất thu thuế và tàn phá tài nguyên diễn ra phổ biến ở các nước đang phát triển xuất phát từ chỗ cần tiền, cần tăng trưởng trong khi kiểm soát chưa tốt. Hơn nữa, trong hoạt động khai khoáng cũng có biểu hiện của lợi ích nhóm. Địa phương nào có mỏ cũng đã cơ bản phân chia khai thác hết do 100% nguồn thuế từ khoáng sản được phân bổ về ngân sách địa phương (trừ dầu khí). Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng hàng trăm tỷ đồng thuế thất thoát chỉ là con số đã được phanh phui, con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Việc doanh nghiệp khai báo không trung thực khiến nhiều địa phương bị “hớ”. Ví dụ ở Lào Cai, có doanh nghiệp báo cáo phải khai thác tới hàng trăm mét mới tìm được khoáng sản nhưng thực tế chỉ vài chục mét là đã khai thác được. Khi doanh nghiệp được tự kê khai sản lượng, nếu khâu hậu kiểm làm không tốt, không đúng trách nhiệm sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp gian lận. Thậm chí, có một số nơi, hậu kiểm còn không được thực hiện.

TS Phong cũng nhấn mạnh, hiện nay  có cả hiện tượng chuyển giá trong việc khai thác khoáng sản. Cách thức mà các doanh nghiệp sử dụng là kê khai đầu tư thiết bị máy móc khai thác với giá thành cao hơn rất nhiều so với thực tế để hoạch toán vào trong chi phí nhằm trốn thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang: Khai thác khoáng sản không được vội

“Quan điểm của Bộ là hết sức hạn chế cấp phép mới. Việc lựa chọn doanh nghiệp để cấp phép cũng phải được cân nhắc kĩ lưỡng. Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, cứ nghĩ khoáng sản là béo bở, đi vay vốn ngân hàng, tới lúc ngân hàng dừng cấp vốn thì mọi hoạt động cũng dừng lại hết, có giấy phép cũng chẳng làm được gì. Doanh nghiệp làm thật thì ít bởi nếu làm ăn nghiêm túc thì phải đầu tư dây chuyền công nghệ rất tốn kém, không ít doanh nghiệp thua lỗ. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực, xin được giấy phép rồi đem bán, chuyển nhượng lòng vòng. Khai thác khoáng sản không được vội, chỗ nào chưa bị đào bới thì khoáng sản vẫn còn nguyên đó. Với những loại khoáng sản mà điều kiện công nghệ trong nước chưa thể khai thác được, Bộ cũng kiên quyết không cấp phép”.

Xem xét điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên

Bà Hoàng Thị Hà Giang, Trưởng phòng Chính sách thuế về đất đai, tài nguyên, phí, lệ phí và thu khác (Vụ Pháp chế - Tổng cục Thuế) cho biết, sắp tới, Tổng cục Thuế sẽ đề nghị thay đổi lại chính sách thuế đối với tài nguyên đã qua chế biến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên. Hiện nay thuế xuất khẩu đối với khoáng sản đã qua chế biến cao hơn khoáng sản thô nên rất ít doanh nghiệp mặn mà. Để khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, Tổng cục Thuế sẽ xem xét điều chỉnh tăng thuế suất với các loại khoáng sản không tái tạo như vàng, sắt, than, đá bazan, đá vôi trắng. Đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được giữ nguyên thuế suất. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị điều chỉnh lại giá tính thuế tài nguyên. Theo đó, giá tính thuế tài nguyên là giá bán tài nguyên tại nơi khai thác nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hiện tại, giá tính thuế là giá bán tài nguyên không phân biệt nơi tiêu thụ. Do đó những  khoáng sản phải vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ sẽ phải chịu chi phí vận chuyển, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Hà Ly - Lệ Thúy - Lưu Hiệp
.
.
.