Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thuế tài nguyên mỗi năm: Lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng

Bài 3: Nguy cơ rơi vào bẫy “lời nguyền tài nguyên”

Thứ Năm, 13/11/2014, 08:25
Cũng giống như các nước có thu nhập thấp và trung bình khác, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy “lời nguyền tài nguyên” khi việc phát triển kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tài nguyên trong khi nguồn thu từ thuế tài nguyên chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất đối với môi trường, xã hội do ngành khai khoáng mang lại.
>> Bài 2: Doanh nghiệp đủ chiêu trốn thuế, nợ thuế

Khai thác tràn lan, hậu quả trông thấy

Việc cấp phép tràn lan trong khi quản lí lỏng lẻo đang khiến cho hoạt động khai khoáng lộ rõ nhiều hệ luỵ. Các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác “ăn xổi” để tối đa hoá lợi nhuận trong khi công nghệ khai thác còn lạc hậu đã dẫn đến những tai nạn đau lòng.

Chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn đã để xảy ra 2 vụ tai nạn làm 3 người tử vong. Cụ thể, sáng 26/10 vừa qua, tại Khu liên hợp các nhà máy chế biến khoáng sản Lũng Váng (đơn vị thành viên của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn) đóng tại huyện Chợ Đồn - Bắc Kạn đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 2 người chết. Nguyên nhân được xác định là do bị ngạt khí. Trước đó, ngày 17/10, tại mỏ Pù Sáp thuộc công ty này cũng xảy ra vụ sập hầm khiến kĩ sư Hoàng Tuấn Anh (SN 1991) chết tại chỗ. Đối với khai thác hầm lò, những nguy hiểm luôn rình rập, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điển hình như đêm ngày 15, rạng sáng 16/1/2014, một vụ nổ khí đã xảy ra tại mỏ than của Công ty Than Đồng Vông (Uông Bí - Quảng Ninh) làm 6 người thiệt mạng, 1 người bị thương trong khi đang làm việc trong lò.

Khai thác khoáng sản cũng là thủ phạm tàn phá môi trường. Không ít sự cố môi trường đã xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân vùng mỏ. Điển hình như ngày 30/9, hồ chứa bùn thải của Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc (xã Lương Thịnh – Trấn Yên – Yên Bái) đã bị vỡ khiến toàn bộ lượng bùn thải đổ xuống vùi lấp khoảng 2ha lúa, chảy tràn vào nhà một số hộ dân khu vực. Trước đó ngày 20/7, đập ngăn hồ chứa bùn thải của mỏ sắt Bản Cuôn (Bắc Kạn) và nhà máy nghiền tuyển quặng sắt của Công ty CP Vật tư và thiết bị toàn bộ (Matexim) đã bị vỡ khiến toàn bộ lượng bùn thải, xỉ quặng chảy tràn xuống cánh đồng của người dân xã Ngọc Phái (Chợ Đồn – Bắc Kạn).

Khai thác hầm lò luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Mới tiến hành khai thác được 3 năm, song mỏ sắt Tùng Bá (Hà Giang) – một trong những mỏ quặng sắt trữ lượng lớn nhất cả nước, đã gây ra những hệ lụy nhãn tiền. Năm 2008, Công ty CP Đầu tư khoáng sản An Thông (Tập đoàn Hòa Phát) được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép khai thác giai đoạn 1 với thời hạn 25 năm. Phạm vi cấp phép lên tới gần 300ha, thuộc địa bàn các xã Tùng Bá, Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) và Thái An (huyện Quản Bạ). Với công suất khai thác 1.500 - 1.700 tấn/ngày, công suất chế biến 450 tấn/ngày, mỗi ngày hàng trăm xe tải hạng nặng chở quặng nườm nượp ra vào khiến cả đoạn đường nhựa dài trên 20km từ trung tâm xã Tùng Bá tới mỏ khai thác đã bị cày nát... Người dân trong khu vực đã nhiều lần làm rào chắn không cho xe tải của Công ty An Thông vào điểm khai thác, buộc công ty ngừng hoạt động và bồi thường thiệt hại. Ông Vũ Thế Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư khoáng sản An Thông thừa nhận hoạt động của công ty đang gây ô nhiễm môi trường...

Thời gian qua, tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Phú Thọ... đã xảy ra hiện tượng sụt lún nghiêm trọng, tạo thành các hố lớn, còn được gọi là "hố tử thần". Trả lời câu hỏi, "hố tử thần" có phải được tạo ra do sử dụng vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản, TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, "hố tử thần" xuất hiện nhiều tại các khu vực có phân bố núi đá vôi. Nếu sử dụng lượng chất nổ lớn, làm chấn động đáng kể nền đất trên một phạm vi rộng thì có thể là một yếu tố kích hoạt, làm gia tăng mạnh hoạt động karst ngầm (đá vôi bị rửa trôi), tạo ra những khoảng trống ở dưới, gây sụt lún.

Trong những tháng đầu năm 2014, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản 1996 có hiệu lực tại 6 tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên) và 2 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng của 16 tổ chức tại 3 tỉnh (Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi). Đơn vị thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 2 tỉ 536 triệu đồng.

Vụ vỡ đập hồ chứa bùn thải của Công ty CP khoáng sản Tây Bắc tại Yên Bái đã vùi lấp 2 ha lúa của người dân xã Lương Thịnh.

Bẫy “lời nguyền tài nguyên” là hiện hữu

Việt Nam hiện chưa phải là quốc gia phụ thuộc tài nguyên. Tuy nhiên, nếu không quản lí tốt, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy “lời nguyền tài nguyên” (tức sự phát triển kinh tế bị phụ thuộc vào tài nguyên). Một quốc gia bị coi là phụ thuộc vào tài nguyên khi khoáng sản chiếm từ 25% trở lên trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nước nghèo có nguy cơ rơi vào “lời nguyền tài nguyên” cao hơn các nước phát triển do chịu áp lực phải tiêu thụ nhanh chóng tài nguyên để trang trải các khoản chi định kì.

Việt Nam là quốc gia có tài nguyên khoáng sản phong phú. Tiềm năng dầu khí của Việt Nam lớn thứ 3 trong khu châu Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tiềm năng khí thiên nhiên ở Việt Nam lớn thứ 5 trong khu vực  châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất than lớn thứ 17 của khu vực vào năm 2013. Với tốc độ khai thác như hiện nay, nếu không phát hiện thêm trữ lượng mới thì chỉ vài chục năm tới, nguồn dầu khí của Việt Nam sẽ cạn kiệt. Hiện tại, than ở đất liền cũng đã cạn kiệt dần. Việt Nam đang và sẽ phải nhập than từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trữ lượng than ở đồng bằng sông Hồng có thể tới vài trăm tỉ tấn. Tuy nhiên, việc khai thác than từ dưới sâu đòi hỏi công nghệ phức tạp trong khi hiện nay chưa có giải pháp thích hợp để vừa khai thác ngầm vừa bảo vệ được đất lúa. Tiềm năng urani ở Việt Nam không đáng kể, trong khi các loại khoáng sản giá trị cao như vàng, kim cương… cũng rất ít.

Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Tư vấn phát triển (CODE) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho thấy, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô song hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam do muốn thu lợi nhuận nhanh nên chỉ chú trọng xuất khẩu ở mức quặng và tinh quặng. Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên. Cách tính thuế, phí dựa trên sản lượng khai thác cũng khiến các doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác phần tài nguyên có chất lượng cao, vị trí dễ tiếp cận nhằm giảm thiểu chi phí khai thác, tăng lợi nhuận. Công nghệ khai thác lạc hậu cũng khiến các doanh nghiệp không thu hồi khoáng sản được triệt để, chỉ lấy được phần quặng giàu, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, gây thất thoát tài nguyên lớn. Điều này đặc biệt xảy ra nhiều trong khai thác hầm lò và các mỏ do địa phương quản lí. Hiện tại, tỉ lệ thu hồi khoáng sản trong khai thác, chế biến còn ở mức thấp. Trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng hiện chỉ đạt 30-40%, phần còn lại thải ra ngoài môi trường. Mức độ tổn thất trong khai thác apatit là 26-43%, khai thác quặng kim loại từ 15-30%, khai thác vật liệu xây dựng là 15-20%...

Hiện nay, đóng góp ngân sách từ lĩnh vực khai khoáng thiếu ổn định do tính chất không tái tạo và do biến động về giá cả ở thị trường thế giới. Cụ thể, nguồn thu từ khai thác dầu khí có thể giảm mạnh khi nguồn dầu khí gần cạn kiệt hoặc khi giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm. Điều này sẽ dẫn đến những thách thức lớn trong đảm bảo an ninh tài chính cả ngắn hạn và dài hạn.

Hơn 5.000 mỏ, 4.320 giấy phép

Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, Việt Nam có hơn 5.000 mỏ, điểm mỏ. Trong khi đó, số giấy phép hoạt động khai thác, thăm dò khoáng sản đang có hiệu lực là 4.320. Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng phải chua chát thừa nhận: “Rừng vàng bể bạc của ta bị đào bới cả rồi”.

Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá từ Trung Quốc

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã phải nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc với tổng giá trị kim ngạch hơn 92,5 triệu USD. Điều này được cho là bất thường vì những năm trước đây, Việt Nam vẫn xuất khẩu lượng lớn than đá sang Trung Quốc.

Hà Ly - Lưu Hiệp - Lệ Thúy
.
.
.