Giác hút của “quái vật” cho vay nặng lãi

Bài 1: Nghìn kiểu bòn rút

Thứ Tư, 03/12/2014, 09:33
Chẳng ai dại dột “đưa cổ ra cho người ta cắt” nhưng trong những tình thế quá cấp thiết, một bộ phận người dân, nhất là người lao động nghèo vẫn phải làm liều đi vay mượn “tín dụng đen”. Nắm bắt được tình thế đó, không ít kẻ cho vay đưa ra mức lãi suất “trên trời” nhưng vẫn không ít người tự nguyện đưa mình vào tròng để rồi phải chịu cảnh tan nhà, nát cửa.

Vay “đứng”, vay ngày

Vay “đứng” là cách gọi của một kiểu cho vay mà vốn thì “đứng” yên một chỗ, con nợ phải è cổ ra đóng lãi hằng tháng với mức từ 10% trở lên, cá biệt lên đến 50-60%/tháng. Chủ nợ thường không quan tâm đến việc con nợ bao giờ trả lại vốn vì chỉ cần thu lãi vài tháng là đã đủ vốn. Chính vì tính chất “tàn bạo” của loại cho vay này nên nó tồn tại nhiều trong thế giới của tệ nạn - nơi luân chuyển của những đồng tiền “đen”.

TP Hồ Chí Minh có đến trên dưới 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trong đó có hàng trăm điểm karaoke, massage, nhà hàng, cà phê đèn mờ…có biểu hiện hoạt động tệ nạn, mại dâm trá hình. Trong những cơ sở như thế này thật khó có thể tìm được một nơi nào lại không có chuyện cho vay nặng lãi.

Cùng với các ổ tệ nạn thì sòng bạc cũng là nơi cho vay “đứng” với lãi suất cắt cổ. Theo một trinh sát của Đội Cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội (PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) ở các điểm đá gà, đánh bài, đánh bạc bằng hình thức trò chơi điện tử… bao giờ cũng có một trùm cho vay nặng lãi hoạt động. Để được vay, con bạc phải cầm cố xe cộ, giấy tờ nhà đất. Những kẻ cho vay thường nhắm đến đối tượng là con cái trong gia đình khá giả mà chúng biết có khả năng trả nợ thay. Do tâm lý nôn nóng muốn gỡ lại tiền đã thua nên nhiều con bạc khi cháy túi sẵn sàng vay với lãi suất bao nhiêu cũng được, nên kẻ cho vay tha hồ đưa ra mức lãi suất. Cách đây không lâu, khi Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh đột kích vào sòng bạc ở đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8) đã bắt giữ Võ Văn Châu (tự Lượm “lùn”, SN 1961; phường 7, quận 6)  là một trùm cho vay nặng lãi khu vực chợ An Đông. Châu cho biết ngoài việc đến đây đánh bạc, y còn cho con bạc vay nặng lãi nên thu lợi bất chính rất cao. Chính vì vậy mà Châu rất giàu có dù y xuất thân trong một gia đình nghèo và chẳng có nghề nghiệp gì.

Vay ngày chủ yếu tồn tại trong hoạt động giải chấp, đáo hạn ngân hàng. Một người nào đó khi đến hạn trả nợ ngân hàng nhưng không có khả năng chi trả mà muốn giải chấp để mang tài sản đem bán (để không bị phát mãi) hoặc đáo hạn thì giải pháp tối ưu mà họ phải chọn đó là vay ngày. Tùy nơi, lãi suất cho vay ngày có khác nhau nhưng đều ở mức… rất nặng!. Còn nặng đến mức độ nào thì cần bắt đầu từ vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank) cùng đồng phạm thực hiện. Tuy chiếm đoạt số tiền “khủng” như vậy nhưng thật sự tiền không còn trong túi của Huỳnh Như mà chảy hết vào túi của các trùm cho vay nặng lãi. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2009-2011, Như đã vay của Nguyễn Thiên Lý (39 tuổi ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) 554 tỷ đồng và 340.000 USD với lãi suất từ 0,4-1,7%/ ngày (tức 12-51%/tháng). Như đã trả cho Lý tổng số tiền gốc và lãi là hơn 1.296 tỷ đồng vẫn còn nợ lại 216 tỷ đồng và 340.000 USD tiền gốc! Từ năm 2008-2011, Như vay của bà trùm Nguyễn Thị Lành (52 tuổi ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh; nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Đông) tổng cộng 7.841 tỷ đồng và đã trả cả gốc lẫn lãi lên đến 9.028 tỷ đồng. Thấy quá ngon ăn, Lành còn làm trung gian giới thiệu cho Như vay tiền của Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung 1.517 tỷ đồng. Như đã trả cả gốc và lãi 1.720 tỷ đồng…

Trùm cho vay nặng lãi Lượm “lùn” bị bắt tại sòng bạc.

Vay góp, vay “gộp” và vay… kiểu mới!

Vay góp tồn tại nhiều trong các khu dân cư, chợ búa, bến xe… Đối tượng vay chủ yếu là dân lao động nghèo cần tiền gấp để làm vốn buôn bán nhỏ, đóng học phí cho con, chữa bệnh… Do nhu cầu cấp thiết này diễn ra hằng ngày, hằng giờ nên nói một cách không ngoa là hầu như bất cứ một khu dân cư, khu chợ búa, bến xe nào cũng có người cho vay nặng lãi. Số tiền cho vay thường vài triệu đến vài chục triệu là cùng. Nếu vay ít thì người vay chỉ cần thế chấp giấy tờ tùy thân; còn vay nhiều thì thế chấp giấy tờ nhà, đất, xe cộ… Khi vay, chủ nợ sẽ khống chế thời hạn trả nợ bằng cách cộng cả vốn và lãi vào rồi chia đều cho số ngày để con nợ trả góp từng ngày một đến khi dứt nợ.

Lê Anh Tuấn (36 tuổi; quê quán Hà Nội) vốn là một tay giang hồ. Để hành nghề cho vay nặng lãi, y mượn của người quen 100 triệu đồng rồi ký hợp đồng thuê nhà số 104 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp để bày bán điện thoại di động làm bình phong. Sau đó y cho in tờ rơi quảng cáo với nội dung “Quỹ tín dụng 104 cho vay tín chấp thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp ĐT: 0938399104” rồi thuê người đem dán trong các khu dân cư lân cận. Khi người dân có nhu cầu tìm đến thì Tuấn mới hét lãi suất từ 20%/tháng trở lên nhưng do quá kẹt tiền nên nhiều người đành vay liều. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi cho vay đến lúc bị bắt, Tuấn đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù các kiểu vay nói trên rất khốc liệt nhưng “tàn bạo” nhất, theo đánh giá của giới “tín dụng đen” đó là vay… gộp. Sáu, một trùm cho vay nặng lãi ở quận Thủ Đức có lần tâm sự với tôi rằng, ông ta chỉ cho vay đối với người xa lạ chứ người quen thì ông không nỡ mà khuyên họ nên chọn giải pháp khác. Vì kiểu vay này mất nhà, mất cửa là rất dễ xảy ra. Sáu dẫn chứng: “Ví như tôi cho anh vay 500 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng trong vòng 6 tháng thì tôi sẽ gộp cả vốn lẫn lãi là 1,1 tỷ đồng. Và như vậy thì tài sản (thường là nhà, đất, xe ôtô) mà anh thế chấp cho tôi phải có giá trị hơn số tiền đó. Nếu anh đồng ý thì tôi với anh sẽ ra công chứng làm một hợp đồng vay và một hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Tôi cho anh thời hạn 6 tháng để chuộc lại tài sản, nếu không buộc anh phải sang tên cho tôi.

Bên cạnh các kiểu vay trên, những năm gần đây, ở TP Hồ Chí Minh còn xuất hiện một kiểu cho vay nặng lãi mới là cho vay bằng cách mua… đồ dùng. Kiểu cho vay này đăng quảng cáo nhan nhản trên mạng Internet và trang quảng cáo các báo. Tôi chọn bất kỳ một số địa chỉ để liên hệ thì đều được tư vấn giống nhau. Đại loại, nếu người vay cần vay 20 triệu đồng từ “tổ chức tín dụng” này thì nơi đây sẽ chỉ định (cả nơi mua và sản phẩm) cho người vay mua một số món hàng (như tủ lạnh, tivi, máy giặt…) trả góp với lãi suất từ 1,7 đến trên 4%/tháng. Sau đó người vay sẽ bán lại sản phẩm này cho “tổ chức tín dụng” nhưng phải chịu hao hụt 15% giá trị. Đến đây thì “tổ chức tín dụng” hết trách nhiệm và người vay trả lãi lẫn gốc hằng tháng cho cơ sở bán hàng trả góp. Tính ra, nếu vay 20 triệu đồng và trả cả vốn lẫn lãi trong vòng 1 năm thì người vay phải trả lãi trên dưới 10 triệu đồng. 

Mã Hải - A.Huy
.
.
.