Hà Nội:

Ba giám đốc tư nhân chờ hầu tòa vì sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả

Thứ Bảy, 28/10/2006, 09:30

Kết luận của Bộ Y tế cho thấy có tới 5 loại thuốc giả được đường dây này “sản xuất” và tuồn ra thị trường gồm: Thuốc Trozime, Neotil, Acetaphen, Cefuroxime và POSTINOR-2.

Ngày 26/10, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã hoàn tất hồ sơ vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh và chuyển sang VKSND TP Hà Nội đề nghị truy tố 4 đối tượng, gồm: Quách Thị Lành (33 tuổi), ĐKNK tại phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, trú tại phố Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy - Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Anh Ngọc; Phạm Anh Tuấn (31 tuổi), trú ở phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng - Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Hồng Tâm; Phạm Thị Thanh Loan (26 tuổi), nhân viên Công ty TNHH Quảng cáo Hồng Tâm và Nguyễn Thành Đạo (35 tuổi), trú ở tổ 26 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy - Giám đốc Công ty TNHH Minh Hạnh.

Ngày 17/10, trên đường Tam Trinh - hồ Yên Sở, quận Hoàng Mai, tổ công tác của cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã kiểm tra hàng hóa trên xe môtô do Phạm Anh Tuấn điều khiển, phát hiện 2.000 vỏ hộp thuốc nhãn hiệu POSTINOR-2 do Hungari sản xuất. Mở rộng vụ án, CQĐT đã làm rõ số vỏ hộp thuốc nói trên là do Phạm Anh Tuấn in bán cho Quách Thị Lành, đang trên đường vận chuyển giao hàng thì bị phát hiện.

Khám xét nơi ở của Phạm Anh Tuấn và Phạm Thị Thanh Loan đã thu giữ  1 ổ cứng máy tính, một máy quét scan và một số giấy tờ khác. Khám xét cơ sở in tại đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân và nhà ở của Nguyễn Thành Đạo ở phường Dịch Vọng, CQĐT đã thu giữ một số vỏ hộp thuốc POSTINOR-2, RTD-anaLgin+C, RTD - N01, ANTISANONO cùng nhiều giấy tờ sổ sách khác có liên quan.

Tại nơi ở, nơi sản xuất của Phạm Văn Bình ở phường Yên Sở (làm cho Đạo), tổ công tác đã thu giữ 6 thùng carton chứa 104kg vỏ hộp nhãn hiệu POSTINOR-2  giả : 2.330 hộp thuốc Acetaphen (mỗi hộp có 10 ống), 1.970 hộp thuốc POSTINOR-2 (mỗi hộp 2 viên), 13.440 vỉ thuốc POSTINOR-2  chưa đóng hộp (mỗi vỉ 2 viên), 59 vỉ thuốc Neotil (mỗi vỉ 10 ống), 2.917 hộp thuốc Trozime (mỗi hộp có 1 lọ), 18 hộp thuốc Neotil (mỗi hộp 10 ống), 1.400 lọ thuốc Cefuroxime, 519 lọ thuốc Sivoxim, 3 máy dùng để sản xuất bao bì vỏ hộp thuốc...,  241 vỏ hộp thuốc, tem dán thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và 20 triệu đồng.

CQĐT đã xác định nhiều loại thuốc chữa bệnh, phòng bệnh của Quách Thị Lành đã mua của nhiều đơn vị dược phẩm khác nhau, do nhập ngoại hoặc sản xuất trong nước, bóc nhãn, mác và thuê các đối tượng nói trên in giả nhãn, mác do nước ngoài sản xuất rồi dán lên bao bì để bán ra thị trường... Hành vi in ấn nhãn, mác của Phạm Anh Tuấn, Phạm Thị Thanh Loan và Nguyễn Thành Đạo nhằm tạo điều kiện cho Quách Thị Lành làm giả thuốc bán ra thị trường thu lời bất chính.

Trong vụ án này, Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm và kết luận 5 loại thuốc giả gồm: Thuốc Trozime, Neotil, Acetaphen, Cefuroxime, POSTINOR-2. Trong quá trình điều tra xác định một số đơn vị tuy đã mua thuốc của Lành nhưng không lưu bản kiểm nghiệm chất lượng thuốc, do vậy CQĐT sẽ có văn bản kiến nghị với Thanh tra Bộ Y tế đối với những đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định quản lý và sử dụng tân dược

Đào Minh Khoa
.
.
.