Ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều lao động phải nghỉ không lương
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong tháng 2-2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất…
Hàng loạt doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất
Là nhân viên bán hàng cho một hệ thống thời trang lớn tại Hà Nội, chị Nghiêm Thị Dinh cho biết, gần chục năm làm việc tại đây, chưa bao giờ thấy cảnh công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời điểm này.
“Từ thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện đến nay, doanh thu của cả hệ thống giảm xuống từng ngày. Cố gắng gượng được một tháng sau Tết, sau đó một loạt các cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn như Lotte Liễu Giai, Mipec Sơn Tây đã phải đóng cửa. Số lượng nhân viên phải cắt giảm đến 70%”, chị Dinh chia sẻ.
Số lượng người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp đang tăng. |
Chị Dinh cho biết, việc phải tạm thời nghỉ việc cũng khiến không ít nhân viên rơi vào cảnh khó khăn. Công ty vẫn trả cho nhân viên nghỉ việc tạm thời trong tháng 3 với mức lương cơ bản khoảng 4,5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, hiện gần cuối tháng 3, vẫn chưa thấy công ty thông báo tháng 4 tới có tiếp tục trả lương hay không và thời điểm nào có thể đi làm lại.
Nhận được thông báo sẽ chính thức tạm thời nghỉ việc từ đầu tháng 4, anh Trần Vương Việt, nhân viên một khách sạn ở phố Bảo Khánh chỉ biết thở dài ngao ngán. Theo anh Việt chia sẻ thì chuỗi khách sạn anh làm việc chủ yếu là đón khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Do dịch bùng phát nên mấy tháng nay, cả hệ thống với 5 khách sạn hầu như toàn phòng trống.
“Những lúc khó khăn thế này thì chia sẻ với chủ là điều tất yếu. Nhân sự đã giảm dần trong mấy tháng qua, chỉ giữ lại một số nhân viên cần thiết. Tuy nhiên với tình trạng hiện nay, chủ khách sạn vẫn bắt buộc phải cho nghỉ. Mỗi tháng nhân viên sẽ được hỗ trợ 2 triệu/người. Đặc thù lĩnh vực khách sạn thì chưa chắc hết dịch đã có thể kinh doanh ổn định trở lại ngay được. Chính vì thế, cũng chưa biết bao giờ chúng tôi có thể đi làm lại được. Mức hỗ trợ 2 triệu/tháng, chưa biết gia đình tôi sẽ sinh hoạt thế nào”, anh Việt ngao ngán.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, rất nhiều doanh nghiệp đã phải giảm quy mô sản xuất. Trong đó tập trung vào ngành Dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ.
Tiếp đó là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải, với gần 500 nghìn lao động đang làm việc, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, có trên 500 nghìn lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động nhưng hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh…
Hồ sơ xin nhận trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thời điểm này, vẫn có không ít người lao động đến để tìm kiếm thông tin việc làm mới, tuy nhiên số lao động mất việc làm đến để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng không ít.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lượng người đến đăng ký làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa lớn là do đa số doanh nghiệp “thu hẹp” hoạt động và kỳ vọng nhanh kết thúc dịch, chờ thời điểm quay trở lại hoạt động. Vì vậy, người lao động chỉ tạm thời mất việc, chưa đủ thủ tục để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
“Trong 2 tháng đầu năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 6.900 người lao động đến làm thủ tục, tăng khoảng 5,3% so với cùng kỳ 2019, chủ yếu làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nên chưa gây ra áp lực. Dự báo, vào giữa và cuối quý 2-2020, số lượng người lao động thất nghiệp tăng mạnh và kéo theo việc hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng mạnh. Chúng tôi đang xây dựng phương án để cố gắng hỗ trợ người lao động”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tác động của dịch COVID-19 đến lao động - việc làm đang thể hiện rất rõ thông qua các chỉ số về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2-2020 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 1-2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là do năm 2020, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, trong khi năm 2019 thời gian nghỉ tết rơi vào tháng 2-2019. Do vậy số lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2- 2020 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao. Bộ LĐ-TB&XH dự báo nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 3-2020 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 132.000 đến 220.000 lao động.
Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu (như hiện nay) thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440.000 đến 880.000 lao động. Thậm chí, nếu dịch bùng phát, thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 880.000 đến 1,32 triệu lao động.