Ẩn khuất trong vụ đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Gia Lai

Thứ Sáu, 30/11/2012, 16:54
Những sai phạm trong đấu thầu thuốc chữa bệnh xảy ra ở Sở Y tế tỉnh Gia Lai được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy vụ việc đã được phát hiện, điều tra khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử vì còn nhiều ẩn khuất...
>> BV Đa khoa Gia Lai trúng thầu bằng... hồ sơ giả

“Bút sa gà chết”...

Cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị truy tố các bị can thuộc Sở Y tế Gia Lai gồm: Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu (nguyên Phó Giám đốc Sở); Rơ Mah Plih, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ; Bùi Ngọc Thư, nguyên Phó phòng Kế hoạch tài vụ, kiêm Kế toán trưởng; Lê Khánh Lân, cán bộ Phòng Kế hoạch; Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên viên Phòng nghiệp vụ dược, Phan Minh Hiếu, nguyên Phó phụ trách Phòng nghiệp vụ y và Đoàn Cường, nguyên Phó phụ trách Phòng nghiệp vụ dược, thuộc Sở, cùng về tội: “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng đối với bị can Phùng Xuân Quýnh, nguyên Giám đốc Sở, bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Căn cứ theo kết luận của giám định tài chính, trong quá trình đấu thầu thuốc chữa bệnh từ năm 2008-2010, tổ xét thầu thuộc Sở Y tế Gia Lai đã gây thiệt hại trên 8,5 tỉ đồng. Để thực hiện đấu thầu thuốc, Giám đốc Sở đã thành lập tổ chuyên gia xét thầu hằng năm gồm nhiều thành viên.

Trong các quy trình lập thủ tục đấu thầu thuốc, ông Đoàn Cường có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh để xây dựng danh mục thuốc đấu thầu có cùng gốc (cùng một tên thuốc gốc có nhiều biệt dược khác nhau); lập danh mục mời thầu 3 mặt hàng nằm trong khu vực nước sản xuất là Việt Nam, châu Á, châu Âu để làm cơ sở xây dựng giá. Ông Phan Minh Hiếu có nhiệm vụ nhập kết quả vào máy tính xách tay có kết nối với máy chiếu Prozeter hiển thị để mọi người cùng theo dõi. Nếu dữ liệu nào không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc thì máy tính tự chấm và loại ra không xét tiếp. Dữ liệu này do ông Hiếu quản lý và các thành viên khác không ghi chép theo dõi nên ông Hiếu tự tiện xách máy tính và USB chứa dữ liệu xét thầu về nhà riêng.

Mặc dù có 61 mặt hàng không đạt các yêu cầu trên nhưng tổ xét thầu vẫn đưa vào xét đạt về mặt kỹ thuật dẫn đến trúng thầu và 9 mặt hàng không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của hồ sơ mời thầu vẫn tham gia cùng với 9 mặt hàng khác cùng danh mục có giá cao hơn đã trúng thầu. Ngoài ra tổ xét thầu còn cho trúng thầu 7 mặt hàng thuốc sai xuất xứ theo quy định hồ sơ mời thầu...

Theo các bị can Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu, Rơ Mah Plih, Bùi Ngọc Thư, Lê Khánh Lân... đều cho rằng việc xét thấu phần lớn giao cho Hiếu và Cường (lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y và dược) thực hiện, các bị can khác đã chủ quan thiếu kiểm tra kỹ nhưng tin tưởng nên đã ký vào các biên bản xét thầu. Các bị can cho rằng mình có thiếu sót, thiếu trách nhiệm chứ không cố ý làm sai... 

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Cũng từ việc được đem dữ liệu thông tin xét thầu ra khỏi cơ quan, ông Phan Minh Hiếu dễ dàng “làm ăn” với đối tác tham gia dự thầu bất chấp sự bảo mật thông tin. Trước khi xét thầu, ông Hiếu có gửi mặt hàng Medoclav 625mg của Công ty TNHH Dược Kim Đô cho Công ty cổ phần Dược Vật tư y tế Gia Lai đưa vào dự thầu và trúng trong năm 2009 và 2010. Công ty Kim Đô trích phần trăm từ doanh số bán tất cả các mặt hàng của Công ty này tại thị trường Gia Lai, Kon Tum với số tiền trên 1,93 tỷ đồng cho ông Hiếu. Không những thế, trong 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai khối nước sản xuất, trong đó có mặt hàng của Công ty Kim Đô và 16 mặt hàng thuốc sai quy định. Khi bị bắt, bị can Hiếu đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Còn bị can Đoàn Cường không tham khảo trên website của Cục Quản lý dược mà lấy theo báo giá của các đơn vị được chỉ định thầu. Đồng thời, trước khi tổ chức đấu thầu, ông Cường còn gửi danh mục chi tiết thuốc gây nghiện hướng tâm thần cho đơn vị được chỉ định thầu và gửi toàn bộ danh mục chi tiết thuốc đấu thầu cho người có địa chỉ thư điện tử nhuloan.to@gmail.com trước khi mở thầu. Việc làm đó khiến cho việc đấu thầu không khách quan, công bằng giữa các nhà thầu.

Sau khi bị bắt, Đoàn Cường đã tự khắc phục 100 triệu đồng. Tương tự, Nguyễn Thị Kim Liên thì giới thiệu ông Nguyễn Hải Hưng ở Công ty Dược Đà Nẵng bán một số mặt hàng cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Gia Lai tham gia vào đấu thầu và đã trúng thầu 4 mặt hàng. Sau khi bị bắt, bà Liên đã nộp cho cơ quan điều tra 120 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Còn các bị can Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu, RMah Plih, Bùi Ngọc Thư, Lê Khánh Lân thì đã làm qua loa các tiêu chuẩn kỹ thuật rồi ký vào biên bản xét thầu nên dẫn đến gây thiệt hại ngân sách. Riêng ông Phùng Xuân Quýnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, là chủ đầu tư dự án đấu thầu thuốc, chịu trách nhiệm chung trong hoạt động đấu thầu, đã trực tiếp ký vào tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả xét thầu sai quy định, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng nhưng chỉ bị xử lý về mặt thiếu trách nhiệm...

Hơn nữa, điều mà dư luận quan tâm ở đây cần được làm rõ là có hay không sự móc ngoặc thông đồng thầu, đưa và nhận hối lộ giữa một số cá nhân liên quan ở Sở Y tế Gia Lai với các doanh nghiệp cung ứng thuốc. Thực chất số tiền 1,9 tỷ đồng bị can Hiếu nhận của doanh nghiệp cung ứng thuốc có phải là hành vi nhận hối lộ?

N.Như
.
.
.