Agribank tiếp sức nông sản Việt ra thế giới
- Agribank dành 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen
- Agribank cam kết đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo
Với kinh nghiệm 31 năm chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển tín dụng xanh, Agribank cùng ngành Ngân hàng, bộ, ngành, địa phương, người nông dân đã và đang tiếp sức cho giấc mơ vươn ra thế giới của nông sản Việt.
Nông sản Việt – vươn ra thế giới cùng những thách thức…
Năm 2018, nông sản Việt Nam xuất khẩu đem về 40 tỷ USD. Hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo). Việt Nam đã tham gia và ký kết 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), tới đây có 4 FTA dự kiến được thông qua.
Trong đó, việc tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp và nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức lớn, trước tiên đó là năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ. Theo thống kê, nước ta hiện có 13,8 triệu hộ nông dân canh tác trên 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ.
Cánh đồng lớn, đến thời điểm này, được xem là bước đột phá trong dồn điền đổi thửa, nhưng quy mô nhỏ, diện tích tham gia còn hạn chế. Tiếp đến, Việt Nam là một trong 5 vùng trên thế giới bị tổn thương lớn nhất về các cơn bão, áp thấp, biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mỗi năm gây thiệt hại 1 - 2 tỷ USD, ảnh hưởng nặng nề tới nông dân và nông thôn.
Mặt khác, hội nhập thương mại tự do vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng suất thấp, giai đoạn đầu khó cạnh tranh.
Nông nghiệp nói chung, nông sản Việt nói riêng đang đối mặt những thách thức rất lớn khi sản xuất không chỉ dừng lại ở đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp, mà còn để phục vụ mục đích bán vào hai thị trường quan trọng gồm thị trường nội địa gần 100 triệu dân Việt Nam, với tỷ lệ đô thị hóa hơn 40%, yêu cầu chất lượng hàng nông sản đòi hỏi ngày càng cao hơn; và thị trường toàn cầu với 7,5 tỷ dân, có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn, thời gian, chủng loại, chất lượng…
Trước những thách thức này, không còn con đường nào khác, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng để phát triển, liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại hiệu quả, giúp nông dân chủ động trong khâu sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật…
Và để làm được điều này, đòi hỏi cần sự chung tay, sự sâu sát của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ, ngành và nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp tích cực của các tổ chức tín dụng.
Chung tay xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại
Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành Ngân hàng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tính đến thời điểm cuối năm 2018, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%.
Nhiều năm qua, Agribank đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ vốn và tiếp sức cho “Tam nông” thay đổi tư duy, hành động vì một nền nông nghiệp Xanh-sạch-an toàn và phát triển bền vững. Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường.
Bên cạnh đó, Agribank tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên…
Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, bắt đầu từ ngày 1-11-2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn.
Đến nay, khắp mọi vùng, miền, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản chất lượng cao dần được hình thành từ vốn vay của Agribank.
Có thể kể đến mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…
Các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, góp phần hình thành “làn sóng” thu hút đầu tư lĩnh vực này…
Agribank tiếp sức nông sản Việt ra thế giới