6/10 doanh nghiệp vẫn bị “nhũng nhiễu” về thủ tục hành chính

Thứ Tư, 18/12/2019, 08:26
Đây là số liệu khảo sát từ doanh nghiệp (DN), được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 02 của năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 – Góc nhìn từ doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI tổ chức sáng 17-12.

Theo báo cáo của VCCI, Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ là các Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đáng chú ý, Nghị quyết 35 của Chính phủ năm 2016 đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020. Nhưng theo tính toán, nếu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng số DN trong 3 năm qua, từ 2015-2018 là 17,3% thì đến ngày 31-12-2020, cả nước sẽ có 984.000 DN, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra.

“Nếu duy trì tốc độ như trước đây, rõ ràng mục tiêu 1 triệu DN có thể không đạt được. Do vậy, năm 2020 là thời điểm tăng tốc về chuyển động của Chính phủ và địa phương. Đây là mục tiêu mà Việt Nam nên có chương trình mạnh mẽ hơn trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều, không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ DN thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI cho biết.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đó không chỉ là những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy DN làm đối tượng phục vụ” mà đã biến thành hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế thân thiện với DN được ban hành thực thi. Song song với các báo cáo về sự cải cách từ các bộ, ngành, địa phương, VCCI đã thực hiện riêng một báo cáo nghiên cứu độc lập để thu nhận và phản ánh cảm nhận của các DN về hiệu quả thực chất của các biện pháp trên.

“Hơn ai hết, DN là người thụ hưởng trực tiếp cải cách môi trường kinh doanh của các cơ quan nhà nước, họ là người hiểu rõ nhất sự thực chất hay chỉ là hình thức của các cải cách”, VCCI nhận định và cho biết báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 là một trong những sáng kiến của VCCI nhằm tăng cường tiếng nói, thúc đẩy vai trò chủ động của cộng đồng DN đồng hành với Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng đến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Được biết, trong 13 báo cáo về sự thuận lợi trong kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, vẫn còn tình trạng một số cơ quan cải cách một cách đối phó, hình thức. Đặc biệt, tình trạng điều kiện doanh được đưa vào luật rất chung chung gây khó khăn cho việc đảm bảo tính minh bạch, hợp lý, khả thi của quy định…

Đi vào cụ thể về chi phí thực hiện thủ tục hành chính, theo khảo sát của VCCI, có 74,7% DN cho rằng “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” trong năm 2018, cao hơn mức 58% của năm 2016. Đồng thời, năm 2018 cũng có 56,9% DN cho rằng “thủ tục giấy tờ đơn giản”, tăng so với mức 49,5% của năm 2016.

Ngoài ra, các chỉ số khác về chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2018 như: Cán bộ nhà nước thân thiện, DN không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, phí và lệ phí được công khai… cũng có xu hướng tích cực hơn năm 2016. Đáng chú ý là tỷ lệ DN đánh giá “các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được” đã tăng so với năm 2017, đồng thời, tỷ lệ “các DN phải trả thêm chi phí không chính thức” cũng đã giảm, điều này cho thấy xu hướng tích cực trong việc kiểm soát tham nhũng, tham nhũng vặt có xu hướng giảm.

"Tuy giảm những vẫn còn cao, tới 58,2%, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN còn ở mức phổ biến. Cứ 10 DN thì tới 6 DN nhận định rằng có sự nhũng nhiễu”,ông Tuấn thông tin.

B.K.
.
.
.