Sau 1 tháng thu phí ATM nội mạng:

35 tổ chức phát hành thẻ tiếp tục khuyến mãi khách hàng

Thứ Năm, 04/04/2013, 07:48
Bắt đầu thực hiện thu phí ATM nội mạng từ ngày 1/3, đến nay, đã 1 tháng trôi qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mới chỉ có 4 tổ chức phát hành thẻ chính thức thực hiện thu phí, 3 tổ chức khác đang “ngấp nghé” thu phí, và 35 tổ chức vẫn đang treo biển khuyến mại để thu hút khách hàng.
>> Chất lượng vẫn kém sau 2 tuần thu phí ATM nội mạng

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán - NHNN, có 8 ngân hàng đã có chính sách thu phí giao dịch ATM rút tiền nội mạng gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Sacombank, SeABank, LienVietPost Bank và WesternBank. Tuy nhiên, trong 8 ngân hàng này, mới chỉ có 1 nửa đã triển khai thu phí là Vietcombank, Sacombank, SeABank, Western Bank. Ba ngân hàng lớn còn lại dự kiến thu phí, nhưng đang áp dụng khuyến mại nhân dịp 30-4 hoặc chưa chốt thời điểm áp dụng là BIDV, Agribank và Vietinbank.

Đối với 3 TCPHT là Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng Kiên Long và Quỹ Tín dụng Nhân dân TW do mới lưu hành thẻ ghi nợ nội địa nên chưa xây dựng biểu phí cụ thể cho sản phẩm này. Đặc biệt, một con số khá ấn tượng đó là có tới 35 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) vẫn chưa thu phí rút tiền ATM nội mạng với lý do “để duy trì lượng khách hàng hiện có và thu hút thêm khách hàng mới”.

Tuy nhiên, điều đáng nói, những TCPHT đang khuyến mãi khách hàng đều có lượng thẻ phát hành cũng như lượng máy ATM sở hữu nhỏ, kéo theo đó là chi phí đầu tư cho hạ tầng và duy trì dịch vụ ATM cũng ít. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có một số lượng rất nhỏ khách hàng được khuyến mãi, còn phần lớn khách hàng đang dùng thẻ đã bị thu phí.

Dù chỉ chiếm chưa đầy 1/5 trong tổng số các TCPHT, nhưng 8 ngân hàng có chính sách thu phí nói trên đều có số lượng thẻ phát hành lớn, chiếm tới 70% số lượng thẻ ghi nợ nội địa và sở hữu lượng máy ATM chiếm 57% tổng số máy trên toàn thị trường. Những TCPHT này cho rằng họ đã mất nhiều chi phí cho đầu tư hạ tầng và duy trì dịch vụ ATM trong những năm qua nên có nhu cầu thu phí giao dịch ATM nội mạng để bù đắp phần nào chi phí bỏ ra. Thậm chí, chính những NH lớn đã thu phí từng than thở chính họ phải phụ thêm chi phí cho một số NH nhỏ “xài ké” dịch vụ ATM nên họ mới là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Một số ngân hàng vẫn cho thu phí ATM nội mạng. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Cùng với chủ trương thu phí, NHNN cũng quy định “tổ chức phát hành thẻ cần có biện pháp phân loại đối tượng khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp với sinh viên nghèo, người lao động có thu nhập thấp”.

Trên thực tế, 4/46 TCPHT có chính sách thu phí rút tiền ATM nội mạng như Vietcombank, Agribank... đã đề ra những chính sách cụ thể về phân loại đối tượng khách hàng và hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp, sinh viên nghèo... Những TCPHT này đều có quy mô lớn với lượng thẻ ghi nợ nội địa chiếm 45% tổng số thẻ toàn thị trường và sở hữu lượng máy ATM chiếm tới 38% tổng số máy ATM tại Việt Nam, qua đó giúp một bộ phận không nhỏ những đối tượng khách hàng nêu trên được hưởng những lợi ích, cụ thể, thiết thực, tránh bị ảnh hưởng bởi việc thu phí rút tiền ATM nội mạng.

Theo NHNN, việc quy định khung mức phí từ 0-1.000 đồng/giao dịch rút tiền nội mạng đã tạo cơ chế để một số TCPHT có thể miễn giảm đến mức không thu phí cho khách hàng, trong khi một số khác áp dụng thu phí ở mức tối đa 1.000 đồng/giao dịch để bù đắp phần nào chi phí đã đầu tư cho hạ tầng ATM và cân đối thu chi cho việc duy trì hoạt động hệ thống ATM.

“Thực tế cho thấy, việc không quy định một mức phí cứng nhắc (chỉ quy định khung phí) đã đảm bảo tuân thủ pháp luật về cạnh tranh, nguyên tắc thỏa thuận trong giao kết hợp đồng, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn hơn về ngân hàng phục vụ với cách thức thu phí khác nhau. Về phía TCPHT cũng có được sự linh hoạt nhất định trong việc quy định mức phí, chính sách phí đối với khách hàng, đảm bảo dung hòa lợi ích giữa khách hàng và TCPHT”, Vụ Tín dụng NHNN nhận định

Nhóm PV
.
.
.