28 tấn ure "mất tích"

Chủ Nhật, 16/11/2008, 11:15
Tại cảng Đoạn Xá, Hải Phòng, một ê kíp từ lái cẩu đến xe kéo container cùng với cán bộ giao nhận đã thông đồng thực hiện công đoạn đánh tráo công hàng FSCU9389417 chứa 28 tấn ure thành công rỗng.

Mất, thất thoát hàng trong quá trình giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) tại khu vực cảng Hải Phòng không phải là chuyện lạ đối với các doanh nghiệp.

Lâu nay, sự mất mát, thiếu hụt hàng chủ yếu xảy ra đối với những lô hàng rời, ôtô, thiết bị đơn lẻ, khi phát hiện được thì hậu quả đã xảy ra, việc quy kết bồi thường rất khó khăn vì chủ hàng không đủ chứng cứ pháp lý để cáo buộc đơn vị cảng chịu trách nhiệm, đành phải ấm ức chấp nhận phần thua thiệt.

Tuy nhiên, vụ việc dưới đây, từ việc Công ty cổ phần Thương mại Đức Thọ  với vai trò trung gian vận chuyển hàng hóa từ cảng Đoạn Xá (Hải Phòng) vào TP HCM đã để xảy ra mất 28 tấn urê chứa trong container, chiếm dụng tiền bồi thường, phát hiện thêm quy trình ăn cắp hàng chuyên nghiệp tại cảng.

Từ vụ quỵt nợ...

Vừa qua, Báo CAND nhận được đơn thư phản ánh của Công ty TNHH Phước Hồng (392 Lạch Tray) về việc đơn vị trung gian làm đại lý giao nhận hàng hóa  là Công ty cổ phần Thương mại Đức Thọ (44 Trần Khánh Dư, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã cố tình chiếm dụng khoản tiền trên 444 triệu đồng đối với 2 lô hàng urê.

Bao gồm: tiền tạm ứng bồi thường của cảng Đoạn Xá vì để mất một container 28 tấn urê trị giá trên 268 triệu; tiền bồi hoàn do Công ty Đức Thọ tự ý bán 8 tấn urê chờ ghép công trị giá 76,8 triệu.

Ngoài ra còn có tiền hoàn thuế VAT 5%, tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian bị chiếm dụng vốn đối với 2 lô hàng nói trên. Quá trình điều tra tìm hiểu sự việc lại phát hiện ra một sự việc khác.

Đó là sự an toàn đối với hàng hóa đã không được đơn vị cảng bảo đảm cho khách hàng. Đặc biệt, thực chất của sự mất mát này là thông đồng ăn cắp hàng bằng thủ đoạn rất tinh vi giữa đội ngũ lái xe, giao nhận hàng của cảng Đoạn Xá.

Đầu năm 2008, Công ty TNHH Phước Hồng ký hợp đồng xuất bán cho đối tác nước ngoài 570 tấn phân urê với giá 9.600đ/kg, địa điểm nhận hàng tại TP HCM. Để thực hiện hợp đồng này, Phước Hồng đã ký thuê Công ty cổ phần Thương mại Đức Thọ làm đại lý vận chuyển urê từ cảng Đoạn Xá vào TP HCM theo nguyên tắc: Hàng đến đâu xuất đến đó. Nhưng đã quá thời hạn giao hàng, đối tác nước ngoài vẫn không nhận 28 tấn urê chứa trong container theo đúng lịch trình nên đã thông báo lại cho bên bán.

Lo sợ bị mất uy tín với khách hàng, Công ty Phước Hồng lập tức tìm đến đơn vị làm dịch vụ vận tải giao nhận là Công ty Đức Thọ để hỏi rõ công hàng 28 tấn urê rốt cục là đã đi đâu?

Tại đây, ông Nhữ Huy Trí, PGĐ Công ty Đức Thọ khẳng định đã "booking" (Ký hợp đồng cả gói, gồm 20 container loại 40') với Công ty Vận tải biển Vina Line, lô hàng 28 tấn urê đã được đóng vào "công" số FSCU9389417 có biên bản giao nhận, phiếu đóng gói, nhập kho của Cảng Đoạn Xá (đơn vị thành viên của cảng Hải Phòng).

Đức Thọ cũng đã nhận được thông báo của Vina Line rằng "công" hàng FSCU9389417 sẽ được xếp xuống tàu Vạn Xuân S019VX đã đến cảng Tân Thuận - TP HCM vào ngày 4/3/2008.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Vina Line cho biết, công hàng  FSCU9389417 chỉ tồn tại trên giấy tờ giao nhận mà không hề được cảng Đoạn Xá xếp lên tàu Vạn Xuân. Vì vậy, có thể khẳng định lô hàng trong công FSCU9389417 đã không cánh mà bay.

Phát hiện thủ đoạn... "gắp nhầm" container

Ngay sau khi phát hiện mất hàng, đơn vị vận tải chính là Công ty Vận tải biển Vina Line rà soát lại toàn bộ chuỗi quy trình từ ký hợp đồng, giao nhận và bốc xếp hàng hoá xuống tàu. Quá trình này mất rất nhiều thời gian nhưng cuối cùng cũng đã phát hiện ra rằng khâu mất hàng xảy ra ngay tại cảng Đoạn Xá chứ không phải ở dưới tàu. Nghĩa là hàng bị mất ngay từ trên bờ, sau đó được tráo thành công rỗng để xếp xuống tàu.

Lúc đầu, phía cảng Đoạn Xá bác bỏ khả năng không thể có chuyện mất hàng tại cảng vì họ có cả quy trình kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu tiếp nhận, xếp hàng và bốc xếp hàng xuống tàu. Tuy nhiên, không thể chứng minh được công hàng 28 tấn urê vì sao không có mặt trên tàu Vạn Xuân.

Chỉ đến khi đơn vị chức năng là Phòng An ninh kinh tế vào cuộc thì mọi việc mới vỡ lẽ. Cảng Đoạn Xá đơn phương cấp lệnh cho Công ty Đức Thọ đóng hàng vào container số hiệu FSCU9389417 trong khi lệnh này đã hết thời hạn.

Về nguyên tắc, các công hết thời hiệu của lệnh cấp hàng coi như công rỗng, buộc phải chuyển trả cho chủ sở hữu hoặc di chuyển ra khỏi khu vực hàng chờ xếp xuống tàu.

Lợi dụng vào quy định này, một ê kíp từ lái cẩu đến xe kéo container cùng với cán bộ giao nhận đã thông đồng thực hiện công đoạn đánh tráo công hàng FSCU9389417 chứa 28 tấn ure thành công rỗng.

Sau đó xếp lên xe đưa ra khỏi địa phận cảng Đoạn Xá đem bán cho một đại lý vật tư nông nghiệp tại Phú Thái - Hải Dương. Lái xe thực hiện hành vi ăn cắp hàng này đã bị bắt tạm giam để tiếp tục điều tra làm rõ đường dây trộm cắp hàng container tại cảng Đoạn Xá.

Vấn đề còn lại, liệu Công ty Đức Thọ, với chức năng làm dịch vụ trung gian cho chủ hàng đích thực là Công ty Phước Hồng ký các hợp đồng, làm thủ tục giao nhận, vận tải với cảng Đoạn Xá và Vina Line có liên quan gì đến quy trình "gắp nhầm" hàng hay không cần được điều tra làm rõ.

Nhưng điều đáng nói là, sau khi đã xác định được vai trò trách nhiệm của các bên trong vụ làm mất nguyên một công hàng, cảng Đoạn Xá đã thừa nhận trách nhiệm để xảy ra mất mát về phía mình. Đồng thời uỷ quyền cho Vina Line tạm ứng 129,9 triệu đồng cho Công ty Đức Thọ để chuyển trả cho chủ đích thực của lô hàng là Công ty Phước Hồng.

Sau khi có kết luận chính thức của đơn vị Công an, sẽ thanh toán nốt số còn lại. Tuy nhiên, cho đến nay, đã nhiều tháng trôi qua, Công ty Đức Thọ vẫn cố ý chiếm dụng số tiền trên, việc điều tra cũng chưa đi đến kết thúc dù mọi dữ kiện về thiệt hại kinh tế đã quá rõ.

Quan trọng hơn, đối với các đơn vị cảng, sau sự việc mất mát hàng hoá đối với loại hàng rất khó mất (hàng chứa trong container) cần nghiêm túc chấn chỉnh lại chuỗi quy trình nghiệp vụ, bảo đảm quyền lợi khách hàng cũng là bảo vệ uy tín thương hiệu cảng

Lê Minh Triết
.
.
.