1.500 tỷ đồng vào túi ai?

Thứ Sáu, 25/04/2008, 15:41
Trả lời câu hỏi này là đi tìm gốc gác vấn nạn buôn lậu than gây nhức nhối xứ mỏ và sẽ phần nào giúp bạn đọc hình dung chân dung những ông trùm cai than là ai, sức mạnh thế nào, thu nhập ra sao, vì sao có thể trục lợi tiền tỷ một cách dễ dàng như vậy?

Nếu theo thông báo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng, ước lượng mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn than lậu "chảy máu" sang Trung Quốc, gây thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng.

Chúng tôi làm phép tính: Nếu tính trung bình mỗi tàu chở khoảng 1.000 tấn than thì để tải hết 10 triệu tấn than cần tới 1 vạn tàu. Chia tỷ lệ cho số ngày trong năm, bình quân mỗi ngày có gần 30 chiếc tàu tải trọng 1.000 tấn vượt biển sang bên kia biên giới.

Vậy mà lực lượng chức năng ra quân sau nhiều ngày, huy động nhiều lực lượng tập kích mới chỉ bắt giữ được hơn 100 tàu, tương đương số tàu chở than lậu trong 3 - 4 ngày, tức số tàu bị bắt trong lần ra quân mạnh mẽ này cũng chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ so số tàu chở than lậu qua vùng biển này hay là trên thực tế. Còn có những "con đường đen" khác trộm cắp than? Có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này. Lấy đâu ra khối lượng than khổng lồ như vậy để xuất lậu?

Trả lời câu hỏi này là đi tìm gốc gác vấn nạn buôn lậu gây nhức nhối xứ mỏ và sẽ phần nào giúp bạn đọc hình dung chân dung những ông trùm cai than là ai, sức mạnh thế nào, thu nhập ra sao, vì sao có thể trục lợi tiền tỷ một cách dễ dàng như vậy?

Đừng quy hết lỗi cho than thổ phỉ

Chúng tôi trở lại TP Hạ Long và thị xã Cẩm Phả, hai trong những nơi cung cấp nguồn than chủ yếu.

"Tôi học ở trường chẳng có nơi nào, sách vở nào đào tạo việc dẫn quân đi điều tra vi phạm pháp luật về than nhưng tại Hạ Long, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này lại chiếm tỷ lệ và khối lượng công việc của anh em quá lớn" - Thượng tá Phạm Công Sinh, Phó trưởng Công an TP Hạ Long dí dỏm, cũng là cách nhìn nhận thực tế vùng đất mỏ chưa bao giờ hết nóng bỏng khai thác quặng đen...

Hình thức khai thác than nhỏ lẻ, chủ yếu khai thác trong vùng đất thuộc sở hữu của gia đình hoặc khu vườn tược, đất đai liền kề thường gọi là khai thác than thổ phỉ. Tuy nhiên, số lượng than lấy được không nhiều.

Trung bình mỗi người nếu làm cật lực, mỗi ngày cũng chỉ moi ra khỏi lòng đất trên dưới 1 tấn than, được chủ trả công khoảng 80.000 đến 100.000 đồng/ngày. Khi bán ra, gia chủ hưởng lợi, nhưng với nguồn khoáng sản chỉ đào ở vườn thì số tiền thu được cũng mức độ.

Lâu nay, cụm từ "than thổ phỉ" và xử lý đối tượng khai thác "than thổ phỉ" được đề cập rất nhiều, thậm chí đến mức người ta nghĩ khai thác than trái phép đồng nghĩa với than thổ phỉ. Mọi hành vi đào bới, bán quặng đều vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng cách nhìn nhận phiến diện này không bao quát tính nghiêm trọng của hành vi, những người khai thác than thổ phỉ không thể gây thiệt hại lớn cho Nhà nước tới mức hơn 10 triệu tấn than lọt khỏi biên giới.

Cai than tung hoành, vì sao?

Thay việc truy quét than thổ phỉ, cần xác lập, bóc gỡ những đường dây khai thác than chuyên nghiệp, có thể hiểu như những "tập đoàn khai thác". Đây là gốc của vấn nạn, không ai dùng công cụ thô sơ đào khoáng sản lại có thể giàu lên nhanh chóng.

Theo xe cơ quan Công an vào công trường, cảnh máy móc rì rầm cạp xúc hối hả, những chiếc xe chở than không bỏ lỡ thì giờ vàng ngọc ì ạch rời mỏ. Bao nhiêu phần trăm số than được các phương tiện cơ giới chở đi sẽ chạy đúng ngạch, bao nhiêu phần trăm luồn lách, đổ ra các thương lái đang chờ sẵn ở những con tàu trọng tải hàng nghìn tấn?

Đại tá Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho chúng tôi biết, chính quyền một số địa phương như Đông Triều, Hạ Long, Cẩm Phả đã cấp giấy phép cho một số dự án được đội lốt bằng tên gọi trồng rừng, làm các công trình giao thông, phúc lợi nhưng thực chất là cho phương tiện cơ giới đào bới, khai thác than số lượng lớn. Nhưng nguy hại nhất là than bất hợp pháp lại chảy ra từ những công trường khai thác hợp pháp.

Nhiều năm nay, Chính phủ giữ nguyên giá than cung ứng trong nước nhằm đảm bảo nhiên liệu sản xuất các hộ lớn như xi măng, sắt thép, giấy, góp phần kiềm chế lạm phát. Từ cuối năm 2007, giá than xuất khẩu tăng vọt, tại thị trường Trung Quốc, giá than chênh lệnh so  với trong nước từ 2 đến 3 lần.

Nếu than bán ra cho các cơ sở chế biến, tiêu thụ trong nước, đương nhiên doanh nghiệp không có nhiều lãi và chủ doanh nghiệp cũng chỉ hưởng mức lương khiêm tốn. Nhưng nếu luồn lách, bán ra cho tư thương, chuyển lên tàu xuất lậu sang Trung Quốc, ngay lập tức đã có lãi nhiều lần. Đây chính là nguyên do - theo chúng tôi là cơ bản nhất, nhiều doanh nghiệp, công ty khai thác than bán than ra ngoài, kiếm lợi cực lớn.

Tìm hiểu vấn đề này tại Công an tỉnh Quảng Ninh và qua thị sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, khai trường do ngành than quản lý đang bộc lộ những kẽ hở lớn và tiền Nhà nước bị xà xẻo nghiêm trọng, nhất là từ khi ngành than có chủ trương tận thu than.

Công an tỉnh công bố: Đã có cơ sở chứng minh Công ty cổ phần Đầu tư thương mại, thuộc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) ký nhiều hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân bên ngoài, đưa phương tiện, thiết bị, lực lượng tư nhân vào mỏ khai thác. Hợp đồng kinh doanh giữa công ty này với tư thương lên tới hàng chục vạn tấn. Qua điều tra, CQĐT đã thu được 11 hợp đồng trong khai trường. Đây chỉ là công ty bị phát hiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng lợi dụng chủ trương tận thu than và chênh lệch giá, việc các công ty ký hợp đồng khai thác, tuồn than ra ngoài không còn thiểu số.

Theo Quy định số 04, 05 của Bộ Công thương, kể từ ngày 22/10/2007, than không phải là mặt hàng cấm, chỉ là hàng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, việc xuất khẩu tiểu ngạch được nới lỏng. Tập đoàn Than, Khoáng sản cho phép 9 đơn vị được phép xuất khẩu 3 triệu tấn than sang Trung Quốc.

Trong số 9 đơn vị này, nhiều đơn vị không đảm bảo phương tiện để khai thác như: Công ty Dịch vụ, thương mại TKV, Công ty Cổ phần và thương mại TKV, Công ty Cổ phần kinh doanh than miền Bắc... Ngoài ra, có 9 doanh nghiệp bên ngoài do tỉnh Quảng Ninh quản lý cũng được phép đưa than đi Trung Quốc.

Tỉnh Quảng Ninh cũng cấp hơn 100 giấy phép cho doanh nghiệp chế biến, kinh doanh than, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này.

Năng lực yếu vẫn đăng cai khai thác than, không khó hiểu khi sau đó các công ty này đồng loạt thuê doanh nghiệp tư nhân đưa phương tiện vào khai thác, vận chuyển và sự lỏng lẻo dẫn tới than dưới lòng đất được móc ngoặc, khai thác và xuất đi cửa sau diễn ra nghiêm trọng...

Rõ ràng nguồn lợi khoáng sản than ở Quảng Ninh bị buông lỏng, liên quan từ cơ chế, chính sách vĩ mô đến việc cấp phép hoạt đông khai thác, xuất khẩu than, quản lý hoạt động này. Thực trạng dẫn tới than từ lòng đất ồ ạt đưa lên tàu chảy ra ngoài lãnh thổ. Đương nhiên, lợi nhuận khổng lồ không phải rơi vào một túi tổ chức, cá nhân nào mà được rải đều từ người khai thác, người chuyên chở đến tiêu thụ…

Trong nguồn lợi khổng lồ đó, có kẻ nghiễm nhiên trục lợi tiền tỷ. Bắt giữ 104 tàu biển chở hơn 10 vạn tấn than để xử lý nghiêm là cần thiết, nhưng những kẻ đã khai thác, chuyển than lậu lên tàu, những kẻ làm ngơ, trục lợi, cho than xuất lậu lại chưa lộ diện?

Người đưa tiêu thụ tài sản do ăn cắp được mà có đã bị bắt, còn người trực tiếp lấy cắp tài sản thì ai phát hiện, bao giờ xử lý; người "gác cổng" móc ngoặc để kẻ khác ngang nhiên lấy cắp thì trách nhiệm đến đâu?

(Còn tiếp)

Cục Hải quan Quảng Ninh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Hải quan để làm rõ trách nhiệm, gồm: Chi cục trưởng Hải quan Vạn Gia Chu Minh Đoàn; Chi cục phó Nguyễn Tiến Hùng, các ông Đỗ Hải Sơn, Đinh Tiến Minh.

Phan Trường - Thanh Tùng
.
.
.