100% mẫu chè Ô Long xuất đi Đài Loan đảm bảo chất lượng

Thứ Năm, 16/07/2015, 09:05
Ngày 14/7, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, chính quyền phía Đài Loan (Trung Quốc), nơi tiêu thụ tới 95% sản lượng chè Ô Long của Lâm Đồng vừa có thông báo 100% mẫu loại chè Ô Long xuất vào Đài Loan (Trung Quốc) đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, phía các đối tác đã tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của 40 công ty sản xuất, chế biến chè Ô Long. Lấy 148 mẫu (968 tấn) gửi đi phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để kiểm tra 14 hoạt chất, gồm Acetamiprid, Chlopyryfos Ethyl, Alpha-cypermethrin, Imidacloprid, Detamethrin, Fipronil, Entofenprox, Dinotefuran, Emamectin, Benzoate, Buprofezin, Oxymatrine, Carbendazim, Hexaconazol. Kết quả không có mẫu có dư lượng vượt ngưỡng. Phía khách hàng và chính quyền Đài Loan đã thông báo cho các công ty sản xuất chè của Lâm Đồng về kết quả này.

Trong khi đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã lấy 18 mẫu chè (21 tấn) tại 12 công ty sản xuất, chế biến chè Ô Long, gồm 6 mẫu chè búp tươi, 12 mẫu chè Ô Long thành phẩm để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó phân tích định tính 12 mẫu, phân tích định lượng 6 mẫu. Kết quả phân tích định tính trong 12 mẫu, có 6 mẫu phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu thuộc hai nhóm carbamate và lân hữu cơ nhưng ở mức an toàn (chiếm 50%), số mẫu không phát hiện là 6 mẫu.

Phân tích định lượng 6 mẫu chè chế biến đối với 7 chỉ tiêu, kết quả có 4 mẫu (chiếm 66%) có dư lượng thuốc Cypermethrin, Acetamiprid, Imidacloprid vượt ngưỡng cho phép so với tiêu chuẩn EU, 2 mẫu hoàn toàn không phát hiện thấy dư lượng thuốc Cartap và Hexythiazox.

Các công ty chè của Lâm Đồng đã nhập nội chè Ô Long từ Đài Loan về trồng thử nghiệm và đưa vào trồng sản xuất từ những năm 1990, hiện nay diện tích chè Ô Long tại Lâm Đồng là 1.645ha, trong đó có 334,4ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organik. Diện tích trồng chè Ô Long tập trung tại huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc, diện tích còn lại phân bố rải rác tại Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Các giống chè Ô Long được trồng chủ yếu là Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc, Ô Long, Thanh Tâm...

Thị trường tiêu thụ chè Ô Long 95% xuất khẩu sang Đài Loan, còn lại 5% tiêu thụ trong nước. Hiện nay tại Lâm Đồng có 40 công ty sản xuất chè Ô Long, 47 công ty chế biến và kinh doanh chè Ô Long.

Liên quan đến thị trường tiêu thụ chè của Lâm Đồng, trước đó, ngày 8/7, ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, phía đối tác Đài Loan vừa trả lại 80 tấn chè (chủ yếu chè đen) cho các doanh nghiệp của Lâm Đồng vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm vượt quá ngưỡng cho phép. Cũng với nguyên nhân trên, hơn 2.000 tấn chè khác của các doanh nghiệp tại Lâm Đồng hiện đang tồn kho, không thể xuất đi Đài Loan được. Lượng chè bị trả lại và tồn kho tập trung chủ yếu tại 6 doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến chè tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo ông Lại Thế Hưng, từ thời điểm giữa năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng dư luận về việc chè Lâm Đồng nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dioxin từ phía Đài Loan dẫn đến việc tiêu thụ chè gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng chè đen xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Sản phẩm chè suất đi nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) bị kiểm tra khắt khe hơn trước đây.

Kim Ngân
.
.
.