Giám đốc "mù” đi lừa tiền tỉ

Thứ Ba, 29/11/2005, 13:55

Các "giám đốc" được doanh nghiệp thuê hầu hết là những đối tượng thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, thuộc dạng lao động nghèo.

Khi những hoạt động khuất tất của Công ty Nam Bắc bị phát hiện, bà Nguyễn Thị Lượt - Giám đốc Công ty Nam Bắc (có trụ sở tại Bùi Viện, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: Do nhà quá nghèo, chồng chạy xe ôm bữa có bữa không, bản thân bà buôn bán cóc ổi dạo nên khi nghe có người kêu đứng tên thành lập công ty và được trả lương cao, bà đã nhận lời, còn việc làm ăn của công ty bản thân bà không biết gì hết. Kiểm tra sơ bộ 2 cuốn hóa đơn mà Công ty Nam Bắc sử dụng, bà Lượt đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm lừa đảo tiền thuế của Nhà nước gần 10 tỷ đồng…

Tại Tp. Hồ Chí Minh, có hàng trăm doanh nghiệp mất tích, chủ yếu hoạt động theo kiểu như vậy. Các "giám đốc" được doanh nghiệp thuê hầu hết là những đối tượng thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, thuộc dạng lao động nghèo. Chỉ đến khi bị đòi nợ thuế với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, đối mặt với những tờ khai hải quan có rành rành chữ ký của mình thì họ mới ngỡ ngàng, nhận ra mình bị lừa trong suốt thời gian làm "giám đốc". Lúc này, người chủ mà họ làm thuê đã nhanh chân tẩu thoát, để lại cho họ một món nợ kếch xù.

Tại Hội nghị "Công tác phối hợp giữa ngành Thuế và lực lượng Cảnh sát" tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ - Công an Quảng Ngãi cũng nêu lên một thực trạng rất bức xúc: Có "giám đốc" nghèo đến mức đi xe mượn, điện thoại mượn, ở nhà thuê, ăn sáng nợ… đến khi bị đối tác đòi nợ thì ngỡ ngàng chỉ vào đám ruộng và bảo đó là tài sản của mình… Đây chính là chân dung của hàng trăm “giám đốc mù" được bọn lừa đảo thuê, bị phát giác trong thời gian qua.

…Và những thủ đoạn lừa đảo

Để chiếm đoạt tiền, tài sản trong các phi vụ lừa đảo, loại tội phạm này thường áp dụng các thủ đoạn như: thuê, lừa người kém hiểu biết đứng tên làm giám đốc hoặc làm chủ doanh nghiệp; thuê người làm thủ tục xin thành lập doanh nghiệp, thủ tục xin cấp mã số thuế và thuê người có chút hiểu biết, thay “giám đốc mù" đến làm thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu cho các lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp.

Sau khi mọi thao tác đã chuẩn bị chu đáo, doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu ồ ạt hàng hóa với số lượng lớn, chủ yếu là những mặt hàng có thuế suất cao và sau đó bỏ trốn mang theo hàng tỷ đồng tiền nợ thuế của Nhà nước. Những vụ vi phạm trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trốn thuế ngày càng nhiều là do chính sách ân hạn thuế trong Luật Thuế xuất nhập khẩu quá thông thoáng nên không ít doanh nghiệp đã lợi dụng.

Làm gì để ngăn chặn?

Tại Hải quan Tp. Hồ Chí Minh hiện cũng đang tồn tại loại tội phạm mới là một giám đốc của nhiều công ty để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Điển hình là Giám đốc Nguyễn Tư  (27 tuổi) - chủ của hai doanh nghiệp (DNTN Nguyễn Tư, đăng ký kinh doanh tại Đồng Nai và DN Kiều Tuấn tại Tp. Hồ Chí Minh), nợ thuế tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 số tiền 1.253.562.486 đồng. Hai doanh nghiệp này cùng mở tờ khai hải quan trong thời gian ngắn rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh...

Từ những vụ chiếm đoạt thuế Nhà nước cũng như hàng loạt vụ lừa đảo khách hàng, đối tác làm ăn… trong thời gian qua cho thấy: Để giảm thiểu đến mức thấp nhất loại “doanh nghiệp ma" chuyên đi lừa đảo, việc nối mạng giữa các cơ quan như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan là cần thiết để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp mới thành lập). Các địa phương cần sớm tổng kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, để phát hiện và xử lý nghiêm minh những đơn vị, cá nhân lừa đảo

Thúy Hà
.
.
.