Với tử cung nhân tạo, ai cũng có thể mang bầu

Thứ Năm, 28/08/2008, 15:47
Trong tương lai không xa, ai cũng có thể làm mẹ, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ bởi đã có sự trợ giúp của khoa học. Đó là một dự báo có căn cứ khi mà giới khoa học công bố: họ đã bước đầu thành công trong nghiên cứu và chế tạo tử cung nhân tạo!

Nhu cầu cấp thiết

Hiếm muộn hoặc không thể sinh con đẻ cái là vấn đề lớn của văn hóa nhân sinh. Thời xưa, người ta giải quyết bằng cách lấy chồng lấy vợ khác hoặc khuyến khích phương án nhận con nuôi.

Ngày nay y khoa đưa ra kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm (TTTON) cùng rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác để trợ giúp cho các cặp vợ chồng kém may mắn. Trên bình diện khoa học, đây là những bước tiến dài về y thuật, nhưng ở một khía cạnh khác các kỹ thuật này lại tạo ra một số hệ lụy về mặt văn hóa đạo đức xã hội cũng như pháp luật.

Một trong những vấn đề khiến cho các nhà khoa học, các luật gia cũng như giới chức lãnh đạo đau đầu chính là việc giải quyết những phôi bào dư thừa sau cuộc TTTON. Bởi thông thường, để cho “chắc ăn”, bác sĩ sẽ cho thụ thai khoảng 7, 8, hoặc 10 phôi bào một lúc, phòng khi cái này hỏng còn có cái khác thay thế. Chính vì vậy mà cùng với hàng trăm ngàn ca TTTON thành công là gấp nhiều lần con số ấy những phôi bào dư thừa được bảo quản đông lạnh trong các phòng thí nghiệm.

Ở rất nhiều quốc gia, do tín ngưỡng tôn giáo và vấn đề đạo đức, người ta coi những phôi bào này là thực thể sống và nhìn nhận quyền sống của chúng như một quyền được bảo vệ, hủy bỏ nó đồng nghĩa với hành động giết người. Vậy phải làm thế nào với chúng?

Các nhà khoa học đã nghĩ ra ý tưởng chế tạo những tử cung nhân tạo, tức tìm một môi trường thích hợp để các phôi bào vô thừa nhận có thể phát triển trọn vẹn và trở thành con người đích thực.

Các thí nghiệm đầu tiên đã được tiến hành ở đại học Cornell (Hoa Kỳ), người ta đem phôi bào đã được TTTON đặt vào một bộ phận gần giống như tử cung người mẹ. Những đứa trẻ chào đời từ tử cung nhân tạo sẽ được nuôi dưỡng dưới sự bảo trợ của chính phủ hay những hội từ thiện hoặc được các cặp vợ chồng hiếm muộn đón nhận làm con nuôi.

Việc phát minh ra những tử cung nhân tạo cũng sẽ giúp cho hàng ngàn phụ nữ bị khuyết tật tử cung hay không thể mang thai vì một lý do nào đó vẫn có được đứa con máu mủ của mình mà không cần phải tìm đến những dịch vụ mang thai hộ tốn kém và nhiều rắc rối.

Những tử cung nhân tạo còn có thể giúp cho hàng trăm ngàn trẻ em sinh non được tiếp tục sống trong môi trường tương đương với môi trường tử cung của mẹ cho đến khi đủ 9 tháng 10 ngày mà không cần phải nằm trong lồng kính với sự chăm sóc vất vả của các nhân viên y tế.

Mô hình nào sẽ được lựa chọn?

Hiện nay, có hai hướng chính mà các nhà khoa học theo đuổi trên con đường đi tìm một môi trường thích hợp ngoài bụng mẹ để bào thai có thể phát triển.

Một là tử cung máy móc - các bào thai sẽ phát triển trong những túi chứa dịch được làm bằng những chất liệu đặc biệt có thể giãn nở thích nghi với sự phát triển của bào thai trong suốt 9 tháng 10 ngày đồng thời tìm cách cung cấp dưỡng chất và các điều kiện cần thiết để nuôi bào thai thông qua hệ thống máy móc với các ống nối liền túi dịch làm nhiệm vụ giống như nhau thai và dây rốn mà hoàn toàn không dính dáng gì đến cơ thể con người.

Hai là, sẽ nuôi cấy các tử cung sinh học từ tế bào gốc rồi cấy ghép vào cơ thể người, tương tự như công nghệ nuôi và cấy ghép những bộ phận cơ thể tim, gan, dạ dày... đang phát triển hiện nay. Theo cách này, có thể sử dụng tử cung của những người hiến tặng.

Như chúng ta đã biết, trong thời gian trên dưới hai thập niên trở lại đây, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa đã cho phép các bác sĩ không những tiến hành việc thụ thai nhân tạo bên ngoài tử cung của người phụ nữ mà còn có khả năng duy trì sự sống và phát triển của một phôi bào sau khi thụ thai bằng cách nuôi dưỡng chúng trong một hỗn hợp dầu khoáng và dịch nuôi cấy đặc biệt. Tuy nhiên môi trường như thế vẫn còn kém xa so với những điều kiện tự nhiên trong tử cung. Do đó, trứng thụ tinh nhân tạo có xu hướng phát triển chậm hơn nhiều so với trứng thụ tinh bình thường.

Mới đây, tại một hội nghị về hỗ trợ sinh sản được tổ chức ở Lyon, Pháp, một nhóm các nhà khoa học người Nhật, đứng đầu là giáo sư Fusiji công bố, họ đã chế tạo thành công các túi chứa dịch có thể chứa được trứng đã thụ tinh và kích thích phôi phát triển tương tự như phôi trong tử cung.

Theo cách của nhóm nghiên cứu, trứng sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được đưa vào túi dịch, trong đó có những tế bào màng được lấy từ tử cung của phụ nữ và được nuôi cấy nhân bản. Những chất hóa học do các tế bào này sản sinh ra sẽ nuôi dưỡng phôi và giúp phôi phát triển. Kết quả thử nghiệm cho thấy phôi chuột được nuôi trong túi dịch nhân tạo phát triển nhanh hơn phôi nuôi trong ống nghiệm ở giai đoạn đầu. Vấn đề tiếp theo là bảo đảm cho phôi có đủ những dưỡng chất và điều kiện cần thiết để phát triển.

GS. Fujii cho biết: “Trong môi trường tử cung nhân tạo, chúng ta vẫn có thể tìm ra cách để giúp phôi thai phát triển nhanh hơn bằng những tác nhân kích thích tương tự như trong tử cung của mẹ”. Nhóm của ông cũng đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm tử cung nhân tạo đối với phôi người. Theo dự kiến, các cuộc thử nghiệm đó sẽ được tiến hành vào cuối năm nay.

Cùng chung mục đích nhưng cách làm có khác nhau, nhóm của GS. Arun Holdeni tại đại học Leeds - người đã phát triển tim nhân tạo, bọng đái nhân tạo và bây giờ đang muốn áp dụng kỹ thuật này vào việc chế tạo tử cung nhân tạo với các cơ có thể co bóp y như thật.

Ông sử dụng kiến thức về hoạt động của các tế bào cơ, cách chúng phối hợp với nhau và cách chúng liên lạc với các tế bào bên cạnh bằng điện tế bào để chế tạo ra những “container mi ni” - trứng sau khi thụ tinh sẽ được đặt vào thiết bị này để phát triển. Vật liệu chính để làm tử cung nhân tạo là plastic và silicon. Holdeni nói: “Đây sẽ là bước đi cuối cùng để chế tạo những con người trong phòng thí nghiệm”.

Tuy nhiên, cách làm của GS. Holden vướng phải một khó khăn là nhiều cơ thể mẹ phản ứng dữ dội với thiết bị được cấy ghép này mặc dù nó chỉ được cấy ghép tạm thời trong thời gian mang thai sau đó được tháo bỏ. Để khắc phục hiện tượng đào thải, họ đang nghĩ đến cách dùng tế bào tử cung gốc nhân bản, tạo thành các tử cung y như thật trong phòng thí nghiệm theo một khuôn mẫu nhất định sau đó đem cấy ghép vào cơ thể mẹ...

Cứ theo những gì mà các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu thì việc trẻ em ra đời từ tử cung nhân tạo sẽ không phải là câu chuyện viễn tưởng xa vời gì. Bởi cũng giống như các em bé ra đời từ ống nghiệm - vốn là một “cú sốc” đối với chúng ta 30 năm trước - giờ đã trở nên một quy trình đơn giản và được cả thế giới chấp nhận, chắc chắn tương lai của ngành hỗ trợ sinh sản 30 năm sau sẽ xuất hiện những đứa trẻ ra đời không từ trong bụng mẹ!

Theo Anh Hoàng (Sức khỏe & Đời sống/ Live Science)
.
.
.