Vì sao thủy điện sông Tranh 2 vừa sử dụng đã "có vấn đề"?

Thứ Năm, 22/03/2012, 12:50
Thủy điện Hòa Bình vận hành hơn 30 năm nay, dung tích hồ chứa lên tới hơn 9 tỉ m3 nhưng chưa xảy ra sự cố nào. Dung tích của sông Tranh 2 chỉ bằng 1/12 hồ thủy điện Hòa Bình nhưng mới vận hành được hơn 1 năm đã nứt thân đập, rò rỉ nước. Điều này đặt ra nghi vấn về chất lượng công trình.
>> Khẩn cấp khắc phục các vết nứt tại bờ đập chính thủy điện Sông Tranh 2

Sau khi thủy điện sông Tranh 2 (Bắc Trà My - Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước qua thân đập chính, Ban quản lí dự án thủy điện 2 - chủ đầu tư công trình đã tiến hành các biện pháp gia cố. Tuy nhiên, các chuyên gia về đập thủy điện cho rằng, tình trạng đập sông Tranh 2 đang ở mức nguy hiểm, các biện pháp gia cố mang tính thủ công bên ngoài sẽ không mang lại hiệu quả gì. Điều cần thiết lúc này là phải hạ mực nước trong hồ để gia cố từ bên trong.Tuy nhiên, muốn hạ mực nước hồ sẽ phải  mở cửa xả lũ, gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân vùng hạ lưu…

GS.TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam khẳng định: “Nước chảy qua thân đập chính tạo thành các dòng suối, chứ không phải chỉ là 30 lít/giây như Ban quản lí dự án thông báo. Như vậy là tình trạng đập đã ở mức rất nguy hiểm, chắc chắn có vết nứt chứ không hẳn chỉ là bị thẩm thấu nước, phải gia cố khẩn cấp. Tuy nhiên, chủ đầu tư mới chỉ thực hiện việc dán, bít các vết nứt, rò rỉ ở phía ngoài bằng xi măng, chất phụ gia trong khi áp lực nước tác động lên thành bê tông từ phía trong là rất lớn. Gia cố thủ công, thô sơ như thế sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì. Đập cần phải gia cố phía thượng lưu chứ không phải hạ lưu. Muốn gia cố thì phải hạ mực nước trong hồ, hiện tại mực nước hồ rất cao. Hiện nay cũng đã có công nghệ gia cố bê tông trong nước bằng các miếng vải dán địa kĩ thuật nhưng chưa biết hiệu quả tới đâu”.

Có cần ngừng vận hành Nhà máy Thủy điện sông Tranh 2 để tiến hành gia cố? TS Đào Trọng Tứ - Ủy viên thường trực Mạng lưới vì nước Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy hội sông Mê Kông khẳng định: “Không thể dừng vận hành nhà máy. Chủ đầu tư cũng sẽ không làm việc đó vì bài toán lợi nhuận. Dung tích hồ lên tới 730 triệu m3, nếu xả lũ sẽ gây lãng phí không nhỏ. Hơn nữa, nếu muốn xả, cũng phải tính toán cẩn thận để tránh gây tác động tiêu cực tới vùng hạ lưu”.

Công nhân Công ty Phú Bắc đang tiến hành khắc phục những chỗ rò rỉ nước ở thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Long Vân.

GS Giang cũng đồng quan điểm: “Nhà máy thủy điện khi đã vận hành thì rất khó dừng. Muốn hạ mực nước hồ thì lại càng phải tích cực vận hành nhà máy để mở cửa xả, đồng thời mở các cống xả sâu để thoát nước nhanh. Chủ đầu tư cũng phải chịu thiệt, vì bên cạnh lượng nước chảy qua các tuabin làm ra điện, cũng sẽ lãng phí lượng nước không nhỏ. Tuy nhiên, an toàn đập và tính mạng hàng nghìn hộ dân dưới hạ lưu vẫn là trên hết. Nếu quyết định mở cửa xả, cũng phải tính toán lưu lượng xả cho hợp lí.  Nếu lượng xả lớn thì sẽ phải tiến hành di dời dân trong vùng ảnh hưởng”.

GS Giang bày tỏ lo ngại: Thủy điện Hòa Bình xây dựng và vận hành hơn 30 năm nay, dung tích hồ chứa lên tới hơn 9 tỉ m3, chiều cao thân đập tới 128m,  nhưng chưa xảy ra sự cố nào. Dung tích của sông Tranh 2 là 730 triệu m3, tức chỉ bằng 1/12 hồ thủy điện Hòa Bình nhưng mới vận hành được hơn 1 năm đã nứt thân đập, rò rỉ nước. Điều này đặt ra nghi vấn về chất lượng công trình. Đập Hòa Bình là đập đá, có lõi là đất sét, chống thấm rất tốt. Đập sông Tranh 2 xây bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm xi măng nhưng khả năng chống thấm lại kém hơn so với bê tông thường. Vì thế, đơn vị thi công cần phải có các giải pháp chống thấm cho đập.

Đập thủy điện Sông Đà qua 30 năm hoạt động vẫn không hề bị rò rỉ nước. Ảnh: Thiện Hoàng.

Thủy điện Sơn La cũng sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, dung tích cũng 9,26 tỉ m3, cũng đã vận hành được hơn 1 năm nhưng chưa xảy ra sự cố nào. Trong bối cảnh xấu nhất, nếu việc gia cố không có tác dụng, vết nứt tiếp tục lan rộng tới mức thân đập chính không chịu được áp lực nước, xảy ra vỡ đập hàng triệu m3 nước từ độ cao hơn 100m đổ xuống sẽ là thảm họa.

Bên cạnh nỗi lo về chất lượng công trình, các nhà khoa học còn lo ngại về nguy cơ động đất tại vị trí đặt nhà máy. PGS. TS Cao Đình Triều (Viện Vật lí địa cầu) cho rằng: “Không thể xem nhẹ các vết nứt trên thân đập. Khu vực đặt nhà máy nằm trong vùng có các đới đứt gãy đang hoạt động mạnh, đã ghi nhận nhiều trận động đất dưới 3,5 độ richter. Rất có thể kết cấu bê tông của công trình không đạt chuẩn nhưng cũng không loại trừ tác động của động đất, bởi vậy phải tiến hành khảo sát kĩ, cũng phải giám sát xem thiết kế của nhà thầu có khả năng kháng chấn tới đâu. Hiện nay vẫn chưa lắp đặt được hệ thống quan trắc, cảnh báo động đất tại khu vực đặt nhà máy vì… thiếu tiền. Chi phí cho việc lắp đặt, vận hành các trạm lên tới 500 triệu”.  

Bộ Xây dựng: Đập chính thủy điện  Sông Tranh 2 không bị nứt

Ngày 21/3, đoàn công tác Cục Thẩm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã khảo sát, kiểm định chất lượng công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 về các vấn đề liên quan đến các vết nứt, chảy nước tại bờ đập chính....

Sau chuyến khảo sát, chiều cùng ngày đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Bắc Trà My, cùng các cơ quan liên quan. Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Bùi Trung Dung - Phó Cục trưởng Cục Thẩm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) khẳng định: Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không bị nứt. Đập vẫn đang vận hành an toàn đúng như thiết kế. Tuy nhiên, do khi thi công không thiết kế đường ống thông giữa các rãnh trong thân đập dẫn đến nước thẩm thấu, rò rỉ qua khe nhiệt. Vì vậy, yêu cầu Ban QLDA Thủy điện 3 xử lý đưa nước về lại... Tiến sĩ Bùi Trung Dung cho rằng, các bên liên quan như chủ đầu tư và đơn vị thi công đã chậm xử lý gây bức xúc cho dư luận. Đây là khuyết điểm cần phải nhanh chóng khắc phục để an dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Hải, cũng bày tỏ: “Lãnh đạo tỉnh hết sức lo lắng về vấn đề này. Tỉnh không thể đứng ra trả lời vấn đề cho nhân dân yên tâm được mà phải cơ quan cấp cao của Trung ương. Chúng ta không thể giải thích theo cảm tính được phải giải thích một cách khách quan. Đề nghị chủ đầu tư phải công khai họp báo khi có kết luận chính thức của Cục Thẩm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, để thông tin cho người dân sống ở hạ lưu yên tâm, ổn định sinh hoạt, sản xuất...”.

Về công tác khắc phục, trước đó kiểm tra tại hiện trường ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc EVN và cán bộ Ban QLDA Thủy điện 3, cho biết: Để hạn chế tối đa không cho nước chảy ra từ những khe nhiệt trên thân đập chính về phía hạ lưu của thủy điện Sông Tranh 2, sẽ tiếp tục chỉ đạo khoan các lỗ để bơm hóa chất vào nhằm “thu hồi” nước lại... Những ngày qua, nhằm khắc phục tình trạng nước rò rỉ, chảy thành dòng qua các khe nứt trên thân đập, các công nhân kỹ thuật của Công ty Phú Bắc (trụ sở TP HCM) là đơn vị nhận thầu hạng mục chống thấm của bờ đập thủy điện Sông Tranh 2, đã dùng khoan bê tông khoan vào các chỗ nứt để cho ống nhựa vào và nhét vào đó vải bạt, dùng xi măng trộn với keo, hóa chất “trám” lại...

L.V. - A.K.

Khánh Vy
.
.
.