Vệ tinh VINASAT 2 sau 8 tháng phóng thành công lên quỹ đạo: Nỗ lực tìm kiếm khách hàng

Thứ Hai, 28/01/2013, 13:06
Sau khi phóng thành công lên quĩ đạo khẳng định chủ quyền không gian của Việt Nam (ngày 16/5/2012), vệ tinh VINASAT 2 đang hoạt động ổn định, các tiêu chuẩn kĩ thuật vượt xa chỉ tiêu thiết kế. Tuy nhiên, việc tìm kiếm khách hàng sử dụng dịch vụ vệ tinh trở nên khó khăn trong bối cảnh thị trường kinh doanh vệ tinh đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ…

Mở rộng khách hàng nước ngoài

Tiếp nhận VINASAT 2 từ đối tác Lockheed Martin (Mỹ), VNPT đã giao cho Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPTI) quản lý, vận hành, khai thác. VINASAT 2 bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ ngày 15/8/2012. Nhận thấy khách hàng lớn là các đơn vị truyền hình, VNPTI đã đàm phán với các đài VTV, VTC, HTV, AVG… để cung cấp dịch vụ.

Tháng 8/2012, VNPTI đã triển khai dịch vụ phát hình cho HTV trên VINASAT 2. Ngay từ khi được đưa vào khai thác, hệ thống vệ tinh VINASAT 1, VINASAT 2 đã cung cấp 400 trạm thiết bị đầu cuối để phục vụ thông tin liên lạc ở vùng sâu, vùng xa, làm trung kế cho dịch vụ di động ở các giàn khoan, hải đảo, phục vụ công tác an ninh quốc phòng cũng như ứng cứu thông tin trong những tình huống khẩn cấp… Mạng lưới thông tin qua vệ tinh của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã được lắp đặt hoàn thiện và đưa vào vận hành. Các dịch vụ mới qua vệ tinh như VSAT, truyền hình… được phát triển nhanh. VNPTI đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng thuộc các lĩnh vực: hàng không, dầu khí, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, ngân hàng… Doanh thu kinh doanh dịch vụ vệ tinh năm 2012 đạt 10% kế hoạch được giao, tăng 16% so với năm 2011.

Trạm điều khiển VINASAT Quế Dương.

Ông Lâm Quốc Cường - Giám đốc VNPTI cho biết: “VINASAT 1 đã được lấp đầy trên 90%, tuy nhiên việc lấp đầy VINASAT 2 sẽ khó khăn hơn do thị trường vệ tinh đang cạnh tranh mạnh mẽ. Trước Việt Nam đều phải đi thuê vệ tinh, nay có vệ tinh của riêng mình. Tuy nhiên, Việt Nam phóng vệ tinh trong khi các nước trong khu vực đều đã có vệ tinh, để có thể cạnh tranh được, giá cước cho thuê băng tần phải rẻ. Kinh doanh vệ tinh thường dài hạn, phải có lộ trình hoàn vốn.

Trong điều kiện kinh doanh khó khăn, ngoài các khách hàng trong nước, VNPTI đang tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar… Tuổi thọ của VINASAT 2 có thể kéo dài tới 21 năm, thay vì thiết kế 15 năm như lúc đầu. Chỉ sau 10 năm, VINASAT 2 có thể hoàn vốn và bắt đầu có lãi”.

VINASAT 2 sẽ được vận hành hoàn toàn bởi người Việt Nam

Sau khi bàn giao VINASAT 2 cho VNPT, đơn vị sản xuất vệ tinh Lockheed Martin đã cử các chuyên gia sang hỗ trợ kĩ thuật, giúp VNPTI vận hành vệ tinh. Để điều khiển vệ tinh, VNPT đã xây dựng 2 trạm: Trạm Quế Dương (Hoài Đức – Hà Nội) và Trạm Bình Dương (trạm phụ, có chức năng dự phòng cho trạm chính trong các trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ…).

Ông Hoàng Phúc Thắng – Trưởng Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương (VNPTI) cho biết: “Sau 8 tháng tiếp nhận, vệ tinh VINASAT 2 hoạt động rất ổn định, đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo dịch vụ tốt cho khách hàng. Để tiếp nhận bàn giao, VNPTI đã cử cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa đào tạo của nhà sản xuất vệ tinh Lockheed Martin tại Mỹ. Việc vận hành VINASAT 2 cũng tương tự VINASAT 1, tuy nhiên khi khai thác đồng thời 2 quả vệ tinh ở cùng vị trí cũng có những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo an toàn cả 2 vệ tinh trên quỹ đạo. Thông thường, sau khi bàn giao vệ tinh, phải mất khoảng 36 tháng để chuyển giao hoàn toàn công nghệ. Tuy nhiên, với VINASAT 2, thời gian có thể rút ngắn, chỉ còn 9 tháng.

Dự kiến, tháng 3/2013, các cán bộ của VNPTI có thể tiếp nhận hoàn toàn, chủ động điều khiển vệ tinh, không cần sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài”. Trong khi đó, ông Kent Mitchell - Chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật của Lockheed Martin cũng nhận định: “Với tinh thần nỗ lực, trí thông minh, sáng tạo, đội ngũ kĩ thuật của Việt Nam có thể làm chủ được việc vận hành VINASAT 2 trong thời gian tới”.

Do vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo có thể chịu lực nhất định dẫn đến lệch quĩ đạo, nhiệm vụ của trạm điều khiển là giám sát tất cả các tham số kỹ thuật, dự đoán quĩ đạo của vệ tinh, đưa ra các lệnh điều khiển để đảm bảo vệ tinh ở đúng quỹ đạo mong muốn. Việc liên lạc qua vệ tinh được thực hiện thông qua ăng ten cao 13m và các thiết bị cao tần, đưa các tín hiệu thu được từ vệ tinh vào các máy chủ, máy trạm, từ đó có thể theo dõi được vệ tinh. Công việc này phải được thực hiện tối thiểu tuần 2 lần để điều khiển vệ tinh theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, mỗi lần thực hiện trong 2 giờ. Những trường hợp sự cố đều được tính toán, thực hiện các tình huống giả định trong hệ thống mô phỏng.

Theo ông Thắng, từ khi tiếp nhận, 2 vệ tinh đều hoạt động rất ổn định, chưa xảy ra bất kì sự cố kỹ thuật nào.

Ngày 16/5/2012, vệ tinh VINASAT 2 được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh tại vị trí 131,8 độ Đông. Tổng đầu tư của VINASAT 2 là gần 250 triệu USD, trong đó vốn của VNPT có 20%, còn lại là vốn vay. Với dung lượng thiết kế gồm 24 bộ phát đáp băng tần Ku, vùng phủ sóng gồm Việt Nam và các nước Đông Nam Á, vệ tinh VINASAT 2 cùng với VINASAT 1 tạo thành hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng, góp phần khẳng định chủ quyền không gian của quốc gia, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, nâng cao vị thế của viễn thông Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao năng lực an ninh quốc phòng của đất nước.

Khánh Vy
.
.
.