Tình trạng kháng kháng sinh ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị

Thứ Ba, 01/07/2014, 11:19
Sự gia tăng đề kháng kháng sinh gia tăng, do nhiều lọai kháng sinh mạnh đã mất tính hiệu quả vì sự tiến hóa của vi khuẩn đa kháng thuốc, khiến các bác sĩ đang phải đối mặt với thách thức lâm sàng tại bệnh viện và trong cộng đồng.

Điều này đặt ra vấn đề cấp bách là cần có những giải pháp điều trị mới và kháng sinh mới,nhằm đối phó với tình trạng gia tăng đề kháng kháng sinh. Vì thế, đây cũng là chủ đề chính của hội thảo “Tiếp cận mới trong điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng và da mô mềm” do Văn phòng đại diện Pfizer (Thailand) Limited tổ chức ngày 30/6, với sự tham dự của các chuyên gia y tế đầu ngành trong và ngoài nước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đề kháng kháng sinh là mối đe dọa đang gia tăng nghiêm trọng tới mức báo động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan quản lý và tòan xã hội.  từ khảo sát về kháng kháng sinh toàn cầu năm 2014, WHO đã kêu gọi sự quan tâm về mức độ gia tăng vấn nạn kháng khuẩn, vì đề kháng kháng sinh đã lan ra toàn cầu và trở nên nghiêm trọng khi đe dọa những thành tựu y học hiện đại.

Nhiều kháng sinh đã được sử dụng thành công trước đây trong điều trị nhiễm khuẩn nặng. Tuy nhiên, do thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi từ những năm giữa thế kỷ thứ 20 đến nay, cùng với việc lạm dụng và sử dụng sai kháng sinh đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều vi khuẩn mới có khả năng đề kháng kháng sinh.  Đề kháng kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả thuốc  kháng sinh và gia tăng tỉ lệ  bệnh tật và tử vong ở bệnh nhân.

Tại Việt Nam, tốc độ gia tăng đề kháng kháng sinh cũng tăng lên trong những năm qua, như một hệ quả của mức thu nhập và tuổi thọ của người dân tăng lên, tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm và người dân được tiếp cận nhiều hơn với hệ thống chăm sóc sức khỏe.  Theo Bộ Y tế: “Thuốc kháng sinh có vai trò rất quan trọng trong điều trị, vì vậy chấn chỉnh việc kê đơn và sử dụng kháng sinh, xác định tính kháng kháng sinh của một số vi khuẩn gây bệnh, tạo điều kiện để các cơ sở điều trị có khả năng làm kháng sinh đồ là rất cần thiết”. 

Kháng kháng sinh ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị.

Tại hội thảo, GS. Philippe Montravers, Trưởng khoa Gây Mê và Hồi sức Ngọai, Bệnh viện Đại học Bichat-Claude Bernar, Paris, Pháp, cho biết: “Do bệnh nhiễm khuẩn nặng đang là mối lo ngại ngày càng gia tăng trên tòan cầu và tại Việt Nam, những nỗ lực chống nhiễm khuẩn ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, cần có thuốc điều trị mới cũng như cần có những chương trình hội thảo tập huấn cho các chuyên gia y tế về việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, giúp bệnh nhân nhận thức được tầm quan trọng của việc dùng kháng sinh đủ liều”.

GS. Lê Quang Nghĩa, Chủ Tịch Hội phẫu thuật tiêu hóa TP.HCM nhận định:  “Cần thiết phải hợp tác để có thể nâng cao nhận thức về đề kháng kháng sinh, đưa ra giải pháp điều trị mới, hữu hiệu để giải quyết mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng liên quan đến đề kháng kháng sinh.”

Cũng mối lo lắng này, trong một Hội nghị khoa học truyền nhiễm toàn quốc diễn ra tại Hà Nội mới đây, các nhà chuyên môn cũng đưa ra một kết quả nghiên cứu gây sự chú ý của mọi người: Ở Việt Nam, thuốc kháng sinh là nhóm thuốc chỉ được bán khi có đơn, nhưng thực tế thì tình trạng bán thuốc kháng sinh không có đơn đang phổ biến tại các nhà thuốc tư ở Hà Nội. Theo đó, hầu hết các nhà thuốc tư đều bán các kháng sinh không có đơn, cho cả những bệnh không cần điều trị bằng kháng sinh, đã phản ánh tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý phổ biến trong cộng đồng. Việc khảo cứu tại 30 nhà thuốc tư ở cả nội đô và nông thôn cho thấy: trong gần 3.000 lượt mua thuốc của người dân, thì có tới gần 30% số lượt mua là có thuốc kháng sinh.

Các nhà chuyên môn phân tích: các nhà thuốc tư khuyến khích việc bán kháng sinh không cần đơn là bởi, lợi nhuận từ thuốc kháng sinh giữ phần đáng kể trong lợi nhuận của nhà thuốc với tỉ lệ từ 13 đến 22%. Điều này cũng cho thấy, việc tuân thủ qui chế kê đơn của các nhà thuốc là không dễ kiểm soát. Phần lớn các kháng sinh được bán không có đơn, trong đó, chiếm 88% là ở các nhà thuốc thành thị và 91% là ở nông thôn. Ba loại thuốc kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin (amoxicillin), Cephalexin và Azithrommycin và thường được kết hợp với các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, cảm và ho, vitamin, thuốc y học cổ truyền vv… Đặc biệt, tỉ lệ khách hàng ở thành thị yêu cầu mua thuốc kháng sinh không có đơn cao hơn cả nông thôn. Việc nghiên cứu cũng cho thấy, kiến thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của cả khách hàng lẫn nhân viên bán thuốc đều còn thấp. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của thực trạng kháng kháng sinh.

Thực tế này cũng đặt ra cho các nhà chuyên môn và quản lý về việc cần phải có các biện pháp can thiệp  hiệu quả nhằm giảm thiểu việc lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không hợp lý. Bên cạnh các biện pháp nhằm hiệu lực hóa qui chế, thực trạng này chỉ ra yêu cầu cấp thiết về việc đào tạo, nâng cao kiến thức và hiểu biết cho nhân viên bán thuốc về kháng sinh và kháng kháng sinh. Do khách hàng thường yêu cầu mua kháng sinh không đơn, nên ngành y tế cũng cần tổ chức chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm kiểm soát tốt việc bán thuốc kháng sinh

Thanh Hằng
.
.
.