Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2014:

Thêm nhiều cảnh báo về an toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia

Thứ Năm, 06/11/2014, 08:00
Trở thành sự kiện truyền thống của giới Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam, Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2014 do sở Thông tin truyền thông TP.HCM, Chi hội An toàn thông tin phía Nam tổ chức tại TP.HCM vào ngày 19/11

Với chủ đề "An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia", sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 500 khách tham dự là lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông, UBND TP.HCM, các Sở Thông tin truyền thông phía Nam, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp công nghệ, các chuyên gia an toàn thông tin, công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP.HCM cho biết: Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tình hình an toàn, an ninh thông tin trên thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến hoạt động, tài sản của mọi tổ chức, doanh nghiệp về cả an ninh, chủ quyền quốc gia. Hiện nay, khuynh hướng chuyển sang sử dụng thiết bị di động, mạng xã hội và điện toán đám mây ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh các đầu tư về an toàn thông tin "truyền thống", nhu cầu về bảo mật trong các lĩnh vực này được dự đoán sẽ ngày càng lớn.

Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2014 được trông chờ là cơ hội gắn kết Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp trong công tác ATTT.

Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Gatner cho biết, mức chi tiêu cho bảo mật thông tin trên toàn cầu sẽ đạt mốc 71 tỷ USD trong năm 2014, tăng khoảng 8% so với năm 2013. Trong đó, phân khúc ngăn chặn thất thoát dữ liệu có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất và đạt mức kỷ lục 18,9%. Các ứng dụng và hạ tầng cơ sở ngành lưu trữ cũng đang thay đổi lĩnh vực bảo mật. Đến năm 2015, có khoảng 10% dịch vụ bảo mật công nghệ thông tin cho doanh nghiệp nói chung sẽ được chuyển sang cung cấp dưới dạng dịch vụ đám mây (dịch vụ  điện toán đám mây, sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ chủ yếu dựa vào các dịch vụ bảo mật trực tuyến, dự kiến sẽ sử dụng khoảng 30% các công cụ điều khiển bảo mật nền tảng đám mây.

Tại Việt Nam, tình hình an ninh, bảo mật cũng diễn gia tăng không chỉ với sự xuất hiện ngày càng nhiều virus, phần mềm độc hại mà còn là các cuộc tấn công có chủ đích nhằm chiếm đoạt thông tin, phá hoại, gây ngưng trệ hệ thống. Data Center - Trung tâm dữ liệu, nơi nhiều tổ chức triển khai các dịch vụ trực tuyến của mình và là nơi mà an toàn, an ninh và  bảo mật là mối quan tâm hàng đầu đã là đích tấn công, là nạn nhân của phá hoại trong thời gian qua... Ngày an toàn thông tin Việt Nam là dịp thể hiện sự gắn kết giữa Nhà nước - xã hội - doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác an toàn thông tin, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bảo mật tiên tiến nhất.

Trong Ngày hội an toàn thông tin Việt Nam 2014, hoạt động trọng tâm của sự kiện là hội thảo Ngày an toàn thông tin Việt Nam vào 19/11. Tại hội thảo, ngoài các thông tin về thực trạng an toàn thông tin phía Nam còn có rất nhiều giải pháp an toàn thông tin của các nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin, công nghệ thông tin hàng đầu thế giới: Samsung, IBM, Cisco, Microsoft, LastLine...

Đây cũng là dịp để các nhà quản lý Nhà nước và chuyên gia an toàn thông tin trao đổi về tình hình an toàn thông tin, định hướng chiến lược an toàn thông tin. Có ít nhất 3 phiên thảo luận chuyên đề về an toàn thông tin có sự tham gia của các chuyên gia an toàn thông tin với các vấn đề công nghệ, giải pháp mang tính ứng dụng cao được tổ chức nhân dịp này: An ninh không dây và di động; An ninh cho hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin; mã độc

N.Hoa
.
.
.