Tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng

Thứ Hai, 18/04/2016, 09:13
Mặc dù Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội ban hành vào cuối năm 2015 nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.


Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán thông tin cá nhân trong đó có số thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông đang diễn ra công khai trên mạng, vừa gây bức xúc trong xã hội, vừa gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim thuê bao di động sai quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 11 yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trực thuộc nghiêm túc chấp hành các quy định về trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông; 

Tổ chức triển khai các biện pháp để kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông; rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình bảo vệ thông tin và ngăn ngừa việc truy cập, sử dụng, tiết lộ, sửa đổi và phá hoại trái phép cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông; quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc doanh nghiệp trong từng công đoạn quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu thuê bao; 

Tăng chế tài xử phạt để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thu thập, sử dụng, phát tán và kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Đây được xem là những biện pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng mua bán thông tin cá nhân trái phép.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh này cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của chính mình, tránh tình trạng hớ hênh như hiện nay.

Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Tại các nước, người dân ý thức về bảo mật thông tin cá nhân rất cao, trong khi tại Việt Nam thì mọi người thờ ơ với việc này. 

Bằng chứng là khi chúng ta vào các cơ quan, đưa chứng minh nhân dân cho bảo vệ và để lại, như thế là một kênh để lọt thông tin, chúng ta đi siêu thị cũng để lại quá nhiều thông tin cá nhân ở siêu thị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình để lộ thông tin cá nhân của mình.

Đồng quan điểm này, một đại diện của Bkav cũng cho rằng: Chưa cần đến việc các hacker áp dụng các thủ thuật để đánh cắp thông tin, bản thân nhiều người Việt đã để lộ quá nhiều thông tin trên mạng, từ số điện thoại, địa chỉ nhà, cơ quan, ảnh trên Internet, nhất là từ khi mạng xã hội Facebook ra đời. Thực tế cho thấy, nhiều người dùng đang tỏ ra rất vô tư trước việc tung hê thông tin cá nhân của mình lên mạng. 

Không thiếu những trường hợp người dùng post ảnh hết sức riêng tư như mặc bikini đi tắm biển lên blog, để rồi hình ảnh đó rơi vào tay kẻ xấu và bị lợi dụng.Vài tuần sau, nạn nhân liên tiếp nhận được các cuộc gọi, tin nhắn khiêu khích, cợt nhả và ngã giá "vui vẻ". Hóa ra, bức ảnh nói trên đã bị ai đó post lên một website "đen", khiêu dâm kèm theo số điện thoại để "khách hàng liên lạc"...

Trước thực trạng trên, các chuyên gia về an ninh mạng lưu ý người dân nên cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ thông tin, không chia sẻ vô tư cho những người khác bởi điều đó sẽ gây khó khăn trong công tác bảo vệ thông tin cá nhân của những người dân, gây mất an toàn thông tin, thông tin này có thể bị lợi dụng để gây ra những hành vi vi phạm luật pháp, ảnh hưởng đến xã hội.

Huyền Thanh
.
.
.