Nỗi oan của chứng “Hysteria”

Chủ Nhật, 07/09/2008, 16:10
Khóc cười rũ rượi và lây lan hàng loạt ở những tập thể đông nữ giới. Khi một người cười, dần dần một hai người tiếp theo cho đến tất cả những ai có mặt đều cười ré lên một cách điên loạn, hoặc đang cười, bỗng dưng lịm tắt nụ cười rồi khóc như mưa như gió... Dân gian gọi đó là chứng bệnh Hysteria.

Những hiện tượng khóc cười, la hét điên loạn kiểu tập thể này thường xảy ra ở những nơi có đông phụ nữ. Trong chiến tranh, hiện tượng này xảy ra khá nhiều ở các khu đông nữ thanh niên xung phong đóng quân. Hoặc xảy ra ở các khu ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng, hay các trường phổ thông trung học nơi có các em gái đã đến tuổi trưởng thành về giới tính.

Ngày xưa, khi các kiến thức y học chưa được phổ cập trong nhận thức của người dân, thì dân gian vẫn gọi chứng bệnh hysteria là chứng bệnh thiếu đàn ông và thường có cái nhìn thiếu thiện cảm với những cô gái trẻ, hay những người phụ nữ mắc chứng bệnh này.

Thật ra, "hysteria" hay còn gọi là (bệnh tử cung) chính là một hội chứng "rối loạn phân ly" mà hiện nay y học hiện đại đã dùng thuật ngữ "phân ly" để sử dụng thay thế cụm từ "hysteria" (bệnh tử cung).

Tôi còn nhớ cách đây 9 năm, khi đó tôi còn là một sinh viên Khoa Văn ở Trường Đại học Sư phạm, hồi đó, vừa chân ướt chân ráo vào nhập học ở trường, lần đầu tiên tôi đã chứng kiến hội chứng hysteria xảy ra ở một số nữ sinh ở năm thứ hai, thứ 3, thứ 4 mà nhiều nhất vẫn là ở các nữ sinh viên năm thứ 3 và thứ 4.

Trước khi vào đại học, tôi hay đọc sách và có đọc một số câu chuyện của các nhà văn, trong các truyện ngắn của mình có kể về đời sống những cô gái trẻ có điều kiện sống gần như là biệt lập với thế giới bên ngoài, do chiến tranh, hoặc do điều kiện công tác.

Ví dụ như trong chiến tranh các nữ thanh niên xung phong gần như bị giam hãm trong rừng sâu bao nhiêu năm không được tiếp xúc với nam giới, hay những nông lâm, nông trường chè, cao su v.v... nơi chỉ có nữ giới làm việc.

Tóm lại cứ ở những nơi đông nữ giới, ít có nam giới hoặc ít có sự tiếp xúc với nam giới, những cô gái trẻ hay bị mắc chứng bệnh kỳ lạ, bệnh hysteria. Thậm chí, qua các câu chuyện dưới ngòi bút nhân cách hóa của các nhà văn, hay qua lời đồn đại thêu dệt của dân gian, chứng hysteria được xem như một căn bệnh điên loạn ở phụ nữ do bị thiếu đàn ông.

Cứ ai mà bị khóc cười, rối loạn tập thể là nghiễm nhiên thiên hạ đồn nhau cô đó bị hysteria. Một thời gian dài, cứ nhắc đến bệnh hysteria là người ta ngại ngần và xem đó như một chứng bệnh liên quan đến sinh lý của phụ nữ.

Thậm chí, trong làng, trong xã, trong cơ quan tập thể, ai bị đồn là bị chứng hysteria, lập tức cô gái trẻ tội nghiệp đó bị cô lập, bị mọi người xung quanh nhìn với cái nhìn thiếu thiện cảm, tệ hơn, cô gái đó bị xa lánh và bị đồn thổi đến mức có thể ế chồng, không có ai dám yêu thương quan hệ v.v...

Trở lại với chứng hysteria xảy ra hàng loạt ở một tập thể sinh viên nữ ở ký túc xá của một trường Đại học Sư phạm cách đây mấy năm, biểu hiện ở các nữ sinh đó chủ yếu là khóc cười hàng loạt và không kiểm soát được trạng thái xúc cảm của chính bản thân mình.

Đầu tiên chỉ trong một căn phòng nhỏ của ký túc xá có một số nữ sinh khóc cười không làm chủ. Nhưng hiện tượng khóc cười đó ngay lập tức lây lan sang các nữ sinh khác còn lại trong phòng. Rồi phòng này lây lan sang phòng kia.

Đầu tiên các nữ sinh tỉnh táo khỏe mạnh khác còn chăm sóc các nữ sinh bị rối loạn kia, và do hoảng sợ, bị kích động không kiểm soát được, lần lượt các nữ sinh khỏe mạnh khác cũng rơi vào tình trạng khóc cười không làm chủ được.

Hồi đó, các ký túc xá của trường nhốn nháo lên vì chứng bệnh kỳ lạ xảy ra hàng loạt ở các nữ sinh. Sau khi các bác sỹ của trạm y tế trường mang các bệnh nhân nặng cách ly, và phân tán số bệnh nhân bị chứng rối loạn khóc cười này ra từng nơi biệt lập nhau, thì căn bệnh ngay lập tức biến mất.

Tuy nhiên, những ồn ào sau đó còn kéo dài, và nhiều gần như tất cả các sinh viên từng bị hội chứng này, hay những ai chứng kiến hội chứng này đều có những thắc mắc về chứng bệnh kỳ lạ, đến và đi rất nhanh, hầu như không ảnh hưởng về sức khỏe, không để lại di chứng gì.

Thật ra đây là hội chứng rối loạn phân ly ở thể nhẹ của các trạng thái xúc cảm của các nữ sinh. Thế nhưng những câu chuyện thêu dệt xung quanh chứng bệnh này khá lâm ly bi thiết. Rằng, các cô gái mắc căn bệnh này luôn ở trong trình trạng thiếu khát đàn ông, không thể không có đàn ông bên cạnh. Thậm chí, khi phát bệnh, phải có đàn ông ở bên vuốt ve thì bệnh mới hết. Những câu chuyện truyền miệng trong dân gian đã thêu dệt thành ghê sợ, người ta miêu tả các cô gái bị hội chứng hysteria như những người phụ nữ mắc bệnh cuồng dâm, loạn dâm.

Thật ra, y học hiện đại đã giải thích một cách khoa học và đầy đủ hội chứng này từ lâu. Hysteria thực tế là chứng rối loạn phân ly. Rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam giới. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành "dịch" trong một tập thể lớn.

Ở Việt Nam, các rối loạn này đã phát triển có tính chất tập thể. Rất nhiều thành viên của đợt xuất hiện các cơn rối loạn phân ly như: Khóc, cười, kêu la tập thể làm rung động cả một khu rừng trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Trong vài năm gần đây ở một số trường học cũng xảy ra hiện tượng tương tự như vậy. Biểu hiện lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng, có thể là các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng về thần kinh, tâm thần, có thể giống nhiều loại bệnh khác nhau mà lại chẳng giống bệnh nào.

Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề v.v...

Các rối loạn này thường phát sinh trong một thời gian nặng sau khi bị chấn thương tâm lý, nhất là các trường hợp tái phát nhiều lần. Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy các rối loạn phân ly trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh.

Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não. Đặc điểm cơ bản của các rối loạn phân ly là tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Tính ám thị và tự ám thị tăng rất cao trong trạng thái thôi miên. Ám thị và tự ám thị là do kích thích tập trung vào một số vùng vỏ não kèm theo cảm ứng âm tính mạnh, làm cách ly hoàn toàn những vùng dưới vỏ với các khu vực vỏ não khác, v.v...

Do vậy trong một tập thể bị, nhiều người khác cũng có thể bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh lây lan, bệnh do ma quỷ làm, gây nên, v.v... Trong lâm sàng, bệnh nhân thể hiện bằng một loạt các triệu chứng cơ thể cùng với mất chức năng thứ phát mà không có một nguyên nhân tổn thương thực thể nào.

Hình thức biểu hiện của rối loạn phân ly có thể là một giải thích văn hóa, được xác lập dựa trên những thông tin về ảnh hưởng của tổn thương thực thể mà bệnh nhân bắt chước theo. Bệnh thường khởi phát sau một tình huống sang chấn tâm lý hay sau một tổn thương trong quan hệ xã hội.

Các triệu chứng bệnh mất đi khi được thôi miên, nhưng có thể trở lại với cường độ cao. Biểu hiện bệnh rất đa dạng vì vậy có nhiều cách phân loại bệnh khác nhau: Các rối loạn phân ly biểu hiện từng cơn: "Cơn co giật hay cơn vật vã phân ly", "Cơn kích động cảm xúc phân ly", "Cơn ngất lịm phân ly", "Cơn ngủ phân ly"…

Chứng rối loạn phân ly có thể xảy ra ở các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập. Những bệnh nhân này mất ý thức tạm thời, có rối loạn định hướng môi trường và định hướng đặc tính cá nhân. Hành động của cá nhân như một nhân cách khác, một linh hồn khác, một vị thần hoặc một lực lượng nào đó điều khiển.

Sự chú ý và ý thức chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó của môi trường trực tiếp. Xuất hiện một số động tác, tư thế, lời nói hạn chế và lặp lại. Các rối loạn đó xuất hiện không tự ý, không mong muốn và xuất hiện giữa các hoạt động thông thường xảy ra, ngoài các hoàn cảnh có tính chất tôn giáo.

Điều trị chứng rối loạn phân ly chủ yếu là liệu pháp tâm lý. Liệu pháp ám thị thường được áp dụng có hiệu quả. Có thể dùng các thuốc hướng tâm thần, châm cứu, bấm huyệt tạo ra một ấn tượng tâm lý đủ mạnh để người bệnh tin tưởng tuyệt đối vào thầy thuốc làm mất các triệu chứng rối loạn chức năng.

Có thể áp dụng liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên cũng đạt hiệu quả tốt. Khi áp dụng tâm lý liệu pháp, phải có thái độ tôn trọng người bệnh, không được xem họ là người giả bệnh. Tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng, theo dõi quá chặt chẽ, vô tình ám thị cho người bệnh rằng bệnh quá nặng.

Song song với tâm lý liệu pháp cần tăng cường điều trị tâm thần, nâng đỡ thể trạng, và điều chỉnh sự mất cân bằng của hai quá trình hưng phấn và ức chế ở vỏ não bằng các thuốc an thần nhẹ, và các thuốc hoạt hóa vỏ não như bromua, cafein, v.v...

Thuốc benzodiazepine giúp giảm bớt rối loạn âu lo. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng tốt với các trường hợp có rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu phối hợp. Kết hợp các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập.

Để dự phòng bệnh này, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Rèn luyện tính cách ngay từ khi còn tuổi nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác...

PGS.TS Cao Tiến Đức – Nguyễn Lê
.
.
.