Không có chuyện tắc kè chữa ung thư

Thứ Bảy, 26/11/2011, 21:31
Theo chỉ vẽ của những "tín đồ" tắc kè đồng bằng, khi có nhu cầu chữa bệnh nan y, nhất thiết phải mua tắc kè già có trọng lượng từ 250 gram trở lên, bỏ mắt rồi chế biến thành món ăn, ngâm rượu để dành uống, riêng máu và mật thì nhất thiết phải "uống sống". Giữa lúc các con bệnh tin sái cổ vào "thần dược" tắc kè thì nhiều lương y, bác sĩ thẳng thừng chỉ rõ, đó là kiểu tự chữa bệnh để dẫn đến cái chết.
>>Nhiều người vẫn tin vào thần dược "tắc kè bay"

Thời gian qua, vì được người ta gán cho trọng trách trị bạo bệnh, kể cả bệnh HIV/AIDS nên tắc kè bị săn lùng ráo riết… Trước tình trạng người bệnh không chỉ tại Việt Nam mà ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nuôi hy vọng thoát khỏi bệnh nan y vào "phương thuốc" tắc kè giá rẻ, dễ mua, mới đây Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra thông điệp cảnh báo rằng không có chuyện tắc kè chữa được bệnh nan y như nhiều người lầm tưởng.  

Niềm tin dễ dãi

Bị ung thư thận, thay vì đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để bác sĩ chuyên khoa khám và có hướng điều trị thích hợp thì ông L.V.Hảo, ngụ phường 2, quận Phú Nhuận nghe theo mách bảo của một số người quen quyết định gửi gắm đời mình cho bài thuốc được gọi là "cáp giới trục độc".

Ông Hảo cho biết, cáp giới là tên gọi đông y của loài tắc kè: "Việt Nam mình có nhiều loài tắc kè nhưng khu trú lại thì có 2 loài, loài tắc kè đồng bằng thường thấy ở khắp nơi và loài tắc kè bay vốn chỉ hiện diện ở núi Cấm, tỉnh An Giang. Nhưng qua tìm hiểu, tôi được biết loại tắc kè đồng bằng có tác dụng chữa bệnh ưu việt hơn cả" - ông Hảo khẳng định: "Một số tài liệu trên mạng Internet nói rằng trong máu thịt của tắc kè đồng bằng có nhiều dược chất có khả năng ức chế tế bào ung thư và đè bẹp virus HIV vô cùng hiệu nghiệm".

Không ít bệnh nhân ung thư như ông Hảo hoặc người có thân nhân bị ung thư, thậm chí có HIV/AIDS tin rằng, cội nguồn dẫn đến những chứng bệnh ai nghe cũng sợ của họ và người thân là do máu bị nhiễm độc. "Khi máu không còn chất lượng sẽ mở đường cho nhiều loài virus mang dịch bệnh tấn công. Nên muốn hết bệnh chỉ có cách lọc sạch máu" - bà V., ngụ quận Bình Thạnh, có người chị bị ung thư tử cung đang trong giai đoạn hoá trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, tin tưởng: "Nghe nói có người nhờ áp dụng bài thuốc cáp giới từ tắc kè mà tai qua nạn khỏi, chẳng còn phải gánh chịu những cơn đau của những lần hóa trị, xạ trị".

Vẫn còn nhiều người tin tắc kè là thần dược để rồi rước lấy những hậu quả chết người.

Không như "phương thuốc" tào lao nung tắc kè bay thành bột rồi pha nước uống mà Báo CAND trước đây đã có bài phản ánh, theo chỉ vẽ của những "tín đồ" tắc kè đồng bằng, khi có nhu cầu chữa bệnh, nhất thiết phải mua tắc kè già, bỏ mắt rồi chế biến thành món ăn, ngâm rượu để dành uống, riêng máu và mật thì nhất thiết phải "uống sống". Bà V. lưu ý rằng, tắc kè muốn làm thuốc phải có trọng lượng từ 250 gram trở lên, tùy tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà cứ 2-3 ngày dùng một con.

Tổ chức Y tế thế giới vào cuộc

Giữa lúc các con bệnh tin sái cổ vào "thần dược" tắc kè thì nhiều lương y, bác sĩ thẳng thừng chỉ rõ, đó là kiểu tự chữa bệnh để dẫn đến cái chết. Bác sĩ Trương Thế Dũng, Trưởng đoàn y, bác sĩ Niềm Tin, trăn trở nói rằng, có một thực tế đáng quan ngại là lẽ ra tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì không ít người bệnh tự ý dứt ngang việc hóa trị, xạ trị… để áp dụng hoặc tự chữa trị cho mình bằng các phương thuốc truyền miệng thiếu căn cứ khoa học, thậm chí phản khoa học. Tự ý như thế theo bác sĩ Thế Dũng vô cùng nguy hại.

Để rõ hơn, bác sĩ Thế Dũng phân tích: "Một người bị ung thư gan hay ung thư thận đồng nghĩa với việc chức năng gan, thận yếu, hoạt động bài thải chất độc kém. Lúc như thế mà họ lại uống rượu pha máu mật tắc kè thì chức năng gan - thận càng khó bài thải độc chất. Mà khi cơ thể người bệnh không thể bài thải chất độc, nghĩa là chất độc còn tồn lưu trong cơ thể thì tính mạng của họ càng thêm nguy cấp. Đó là chưa đề cập đến yếu tố trong máu - mật động vật thuộc họ bò sát như rắn, rùa, cua đinh… và tắc kè tiềm ẩn nhiều mầm bệnh truyền nhiễm chết người". 

Trước thực trạng bệnh nhân ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đổ xô mua tắc kè về chế biến thành "thần dược" trị bạo bệnh, vừa qua trên trang Facebook của mình, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông điệp cảnh báo rằng những tin đồn, báo cáo nói tắc kè chữa trị ung thư hay HIV/AIDS chỉ là trò lừa đảo. Bởi hiện vẫn chưa có luận cứ, chứng cứ khoa học nào khẳng định những tính năng "thần hiệu" từ loài tắc kè. 

Trò chuyện với PV Báo CAND, một lương y đề nghị giấu tên vì lý do tế nhị, phân tích rằng phía sau cơn sốt săn tắc kè trị ung thư và căn bệnh nan y HIV/AIDS có bóng ma "đạo diễn" của những đầu nậu, ông trùm các đường dây buôn động vật hoang dã

T.Dũng - X.Trang
.
.
.