Hội thảo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân tại Đà Lạt

Thứ Hai, 24/11/2014, 19:17
Ngày 24/11, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Hiệp hội kỹ thuật hạt nhân Hàn Quốc (KNA), Tập đoàn Thủy điện-Điện Hạt nhân Hàn Quốc (CRI-KHNP) và Đại học Hangyang (Hàn Quốc) đã phố hợp với Trường Đại học Đà Lạt tổ chức hội thảo phát triển nguồn năng lượng hạt nhân cho Việt Nam với sự tham gia của hàng chục chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hạt nhân đến từ Hàn Quốc.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử của Hàn Quốc; chương trình mẫu phát triển nhân lực cho năng lượng nguyên tử của Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra các thiết bị về năng lượng nguyên tử; đào tạo nguồn nhân lực cho thiết kế và xây dựng nhà máy điện nguyên tử; phát triển nguồn nhân lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân; kinh nghiệm về nội địa hóa công nghệ nhà máy điện hạt nhân.

Đại diện Tập đoàn Thủy điện-Điện hạt nhân Hàn Quốc trình bày quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, các chuyên gia của Tập đoàn Thủy điện-Điện hạt nhân Hàn Quốc cũng đã trình bày khái quát sự tỉ mỉ, công phu trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường cho đến khi xây dựng và hoàn thành.

Trước đó, Trường Đại học Đà Lạt cũng đã đạt được một thỏa thuận với phía đối tác Hàn Quốc. Theo đó, Tập đoàn Thủy điện-Điện hạt nhân Hàn Quốc sẽ chuyển giao hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực OPR1000 Core Simulator (CoSi) cho Trường Đại học Đà Lạt. Hệ thống gồm máy tính chủ công suất lớn và các máy tính trạm được cài đặt hệ thống phần mềm giả lập lõi lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, thế hệ lò mới nhất được phát triển tại Hàn Quốc, công suất 1000 MW.

Sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân của Trường Đại học Đà Lạt sẽ sử dụng thiết bị ngày thực nghiệm công nghệ hạt nhân trước khi tham gia các hoạt động thực tế tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Khi chuyển giao thiết bị này cho đại học Đà Lạt, Hiệp hội kỹ thuật hạt nhân Hàn Quốc đã yêu cầu phía Chính phủ Việt Nam không được chuyển giao cho một trường đại học khác cũng như đưa hệ thống sang một đất nước khác. Nguyên nhân là do đây là một trong những thiết bị chiến lược trong hoạt động hạt nhân của Hàn Quốc.

Được biết, ngoài thiết bị này, sắp tới Chính phủ Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục tài trợ cho Đại học Đà Lạt hệ đo đạc bức xạ - thiết bị cơ bản và quan trọng trong đào tạo công nghệ hạt nhân có liên quan đến đào tạo chuyên gia về an toàn bức xạ

Kim Ngân
.
.
.