Giá cước 4G sẽ rẻ hơn 3G

Thứ Ba, 02/05/2017, 09:59
Viettel cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với mức giá rẻ hơn 3G từ 40-60%.

Viettel vừa chính thức khai trương mạng 4G trên toàn quốc và trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G đến với người dùng. Theo đó, Viettel cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với mức giá rẻ hơn 3G từ 40-60%.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, các nhà mạng lớn khác là Mobifone và Vinaphone chưa cung cấp dịch vụ 4G chính thức song với sự ấn định giá cước của Viettel, nhiều người cho rằng, để đảm bảo có thể cạnh tranh, mặt bằng giá cước 4G tại Việt Nam chắc chắn không thể cao hơn 3G.

Viettel đã chính thức khai trương đồng loạt mạng di động 4G trên toàn quốc vào giữa tháng 4-2017. Với 36.000 trạm thu phát sóng trên cả nước và các gói cước đa dạng, Viettel tuyên bố các gói cước 4G sẽ rẻ hơn 3G đến 60%.

Cụ thể, Viettel đã chia ra 5 mức gói cước cho khách hàng lựa chọn, bắt đầu từ gói 40.000 đồng, quý khách sẽ có 1GB dung lượng để sử dụng.

Gói tiếp theo là 70.000 đồng, 90.000 đồng, 125.000 đồng và mức cao nhất là 200.000 đồng với 10GB dung lượng.

Sau khi sử dụng hết dung lượng gói chính, người dùng có thể mua thêm các gói tốc độ cao từ 20 đến 40 nghìn đồng đối với 1GB. Nếu khách hàng không thường xuyên dùng mạng, không có nhu cầu sử dụng các gói cước như trên thì có thể chọn gói 4G0 (Pay as you go).

Với gói cước này, khách hàng sẽ trả phí theo số MB mà mình sử dụng với giá cước niêm yết là 60đ/MB.  Các nhà mạng khác như Mobifone hay Vinaphone dù chưa công bố giá cước 4G nhưng đều hứa hẹn giá cước dịch vụ này sẽ rẻ hơn 3G, vì như thế, các nhà mạng này mới có thể cạnh tranh được với Viettel.

Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ 4G của Viettel tại Hà Nội.

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho biết: Việc Viettel ấn định giá cước 4G thấp hơn 3G xuất phát từ quan điểm xây dựng mạng 4G “cho mọi người”.

Viettel sẽ không để bất cứ người Việt Nam nào đứng ngoài dòng chảy phát triển của công nghệ, kể cả người dân ở vùng sâu, vùng xa nhất khắp mọi miền Tổ quốc. Cũng theo ông Sơn, sở dĩ giá cước 4G có thể rẻ hơn 3G là do đầu tư cho 4G có chi phí thấp và thuận lợi hơn so với 3G.

“Mặt bằng chung về giá của các trạm 4G đã tương đối rẻ nhờ sự đầu tư 4G trên quy mô lớn với gói thầu được mua cùng lúc cho nhiều quốc gia mà Viettel đầu tư. Cùng với đó là quy mô thị trường rất tiềm năng, con số người dùng có sẵn máy đầu cuối 4G hiện tại ở Việt Nam khoảng 10 triệu, đủ lớn để các nhà mạng triển khai dịch vụ” - ông Sơn chia sẻ.

Nhìn vào bảng giá cước 4G của Viettel, các chuyên gia công nghệ tính toán, với mức giá này, mặt bằng giá cước 4G của Việt Nam đang thuộc hàng rẻ so với khu vực và thế giới.

Mức giá 40.000 đồng/GB dung lượng tốc độ cao 4G xếp Việt Nam vào nhóm nước có giá 4G rẻ như Ấn Độ hay Pháp, với trung bình giá cước dưới 2 USD/GB. Mức giá trên được tham khảo từ khảo sát của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Tổ chức này nhận định, giá thành dịch vụ 4G cấu thành bởi nhiều yếu tố, bao gồm chi phí lắp đặt, vận hành hệ thống, chi phí nhân lực tại địa phương cũng như tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông tại nước sở tại.

Tuy vậy, theo nhiều người dùng tại Việt Nam, mức giá 1,3 USD/GB vẫn hơi đắt so với mức sống của người Việt. Đặc biệt, việc các gói cước 4G không cho truy cập sau khi hết dung lượng cũng là một điểm khiến người dùng cân nhắc.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ 4G cũng đang thực sự là vấn đề mà nhiều người quan tâm bởi 4G hay 3G+ cần phải có công cụ để đo đếm.

Và để minh bạch vấn đề chất lượng, nhiều người dùng đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cần sớm ban hành quy chuẩn về chất lượng 4G để làm tiêu chí đánh giá, nếu nhà mạng vi phạm sẽ được công khai xử phạt để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng cam kết trong giấy phép về lộ trình phủ sóng cũng như chất lượng trong vùng phủ sóng.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo Cục Viễn thông có kế hoạch đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng nhằm bảo đảm đúng cam kết đưa ra. Cục Viễn thông sẽ thực hiện đo kiểm định kỳ và đo kiểm đột xuất khi có phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ 4G.

Nếu nhà mạng nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 174 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục có các biện pháp nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, giúp người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ 4G với chất lượng tốt nhất.

Huyền Thanh
.
.
.