Gặp các bác sỹ tham gia ca ghép tim đầu tiên ở Huế
Ngày 2/3, lần đầu tiên Bệnh viện TW Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim cho một bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh.
Bệnh viện TW Huế là cơ sở y tế đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Y tế cấp giấy phép (tháng 8/2010) là cơ sở có đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép tim từ người cho chết não dựa trên các tiêu chí: Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế tại bệnh viện; đội ngũ nhân lực và hệ thống tổ chức để triển khai công tác ghép tim lấy từ người cho chết não; các qui trình chuyên môn kỹ thuật trong ghép tim lấy từ người cho chết não đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khả năng phối hợp với các trung tâm ghép tạng trong nước và quốc tế.
Từ đó đến nay, với tinh thần quyết tâm cao, Hội đồng ghép tạng Bệnh viện TW Huế, đặc biệt là các ê kíp phục vụ cho công tác ghép tim lấy từ người cho chết não bao gồm: kíp chẩn đoán và hồi sức cho người chết não để lấy tạng; kíp phẫu thuật lấy tim hiến; kíp phẫu thuật ghép tim; kíp gây mê hồi sức; kíp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân chờ ghép tim cùng nhiều kíp khác như: cận lâm sàng; truyền thông… đã luôn trong tư thế sẵn sàng để nhận thông tin hiến tạng từ Ban chỉ đạo của Hội đồng.
GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện TW Huế, người mổ, ghép chính cho bệnh nhân Đức, cho biết: 14h ngày 28/2, thông tin có nguồn tạng hiến từ người cho chết não được triển khai một cách khẩn trương với tinh thần trách nhiệm rất cao bởi các kíp chuyên môn của Hội đồng ghép tạng. Đến 15h ngày 1/3, thời điểm quyết định với hội chẩn lần cuối cùng của hội đồng chuyên môn tuyển chọn 1 bệnh nhân đang được điều trị chờ ghép tim tại Bệnh viện TW Huế có những đặc điểm tương đồng miễn dịch cũng như đáp ứng những yêu cầu chuyên môn của tạng hiến.
Để đi đến quyết định cuối cùng này, ngoài thăm khám lâm sàng cần phải thực hiện trên 30 xét nghiệm cận lâm sàng trung và cao cấp tiến hành cho cả người cho tim chết não và người sẽ nhận ghép tim tại hệ thống labo của bệnh viện.
Mổ, ghép tim cho bệnh nhân Đức. |
Các xét nghiệm cận lâm sàng này được phân ra 3 nhóm nhằm: đánh giá chức năng các cơ quan; đánh giá tương hợp miễn dịch, nhằm phát hiện nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong và sau khi ghép tim để từ đó có phương thức điều trị thích hợp. Sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng nhằm đưa lại tỉ lệ thành công cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn tạng, và tính chất sống còn của cuộc phẫu thuật ghép tim.
Kết quả cho thấy, tất cả xét nghiệm đều phù hợp và chấp nhận được, tuy vậy đội ngũ bác sĩ phải chờ kết quả xét nghiệm đọ chéo máu, phải mất 8 giờ mới có kết quả.
Rất may, kết quả đọ chéo âm tính. Lúc 22h ngày 1/3, cuộc phẫu thuật ghép tim được bắt đầu tại Trung tâm Tim mạch Huế bởi chính đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện TW Huế. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi. Quả tim được lấy từ một nơi khác và chuyển đến phòng mổ ghép trong vòng 30 phút, thời gian thiếu máu lạnh ngắn < 1 giờ. Bệnh nhân được phẫu thuật theo kỹ thuật ghép tim đồng vị trí với hai miệng nối tĩnh mạch chủ, đây là một kỹ thuật tuy hơi phức tạp so với kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ nhưng kỹ thuật này tận dụng mô tâm nhĩ lành của quả tim hiến giúp cải thiện tình trạng loạn nhịp tim cũng như hạn chế máu phụt ngược qua van 2 lá và van 3 lá và đặc biệt phù hợp với độ tuổi còn rất trẻ của bệnh nhân, phù hợp xu hướng phát triển kỹ thuật mổ ghép tim thế giới.
Cuộc mổ kéo dài 5 giờ và kết thúc lúc 3h rạng sáng ngày hôm sau (2/3).
Bệnh nhân được phẫu thuật ghép tim là Trần Mậu Đức, 26 tuổi, ở phường Phú Hội, TP Huế, với chẩn đoán bệnh cơ tim giãn; suy tim độ IV; phân suất tống máu thất trái tâm thu EF # 17%. Sau mổ 7 giờ, các thông số huyết động, hô hấp, tri giác hoàn toàn bình thường, chức năng tim tốt với phân suất tống máu thất trái EF # 57% và đã được rút ống nội khí quản và tự thở.
Bác sĩ Phú bộc bạch: "Trước đây, đã có không ít lần thông tin chuẩn bị cho ghép tạng lấy từ người chết não nhưng vẫn chưa thực hiện được do không được đồng thuận của người thân nạn nhân với lý do phong tục tập quán, đặc biệt ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Tuy vậy, đây cũng chính là những lần tập dượt rà soát lại về quy trình chuyên môn kỹ thuật và hệ thống tổ chức cũng như càng thôi thúc lòng quyết tâm của cán bộ bệnh viện để thực hiện nghĩa cử cao đẹp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc".
Đến nay, Bệnh viện TW Huế đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bị tim bẩm sinh. Trong đó GS. TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện TW Huế là người đã trực tiếp phẫu thuật hàng trăm ca mổ tim kín và hở, đem lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân đã lâm vào tình cảnh khó khăn và tuyệt vọng. Bác sĩ Phú tâm sự, để cứu sống được nhiều bệnh nhân, bệnh viện đã liên tục tiếp cận với những tiến bộ của y học thế giới, rồi đem những tiến bộ ấy về áp dụng tại Bệnh viện TW Huế.
Năm 1996, bác sĩ Phú được làm việc tại một trung tâm tim mạch ở Pháp với chức danh Trưởng khoa Lâm sàng dành cho người nước ngoài. Vào thời điểm này, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu về tuần hoàn ngoài cơ thể. Từ các mối quan hệ tạo dựng, Bệnh viện TW Huế đã gửi các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau của bệnh viện đi đào tạo mổ tim hở. Ngày 27/4/1999, lần đầu tiên tại khu vực miền Trung, ca mổ bắc cầu động mạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện. Ngày hôm sau, một ca mổ tim hở với tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện cho một bệnh nhi 14 tuổi để vá lỗ thông liên nhĩ. Cả hai ca mổ đều thành công tốt đẹp.
Bắt đầu từ thời điểm này, Bệnh viện TW Huế đã tiến hành mổ các loại bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ, nhĩ 3 buồng, bệnh lý một van và đa van tim, tắc hẹp mạch vành một - hai - ba cầu nối, u tim… Bệnh viện TW Huế cũng là nơi đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình mổ tim hở có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể với chi phí phẫu thuật thấp. Hơn 11 năm qua, bệnh viện đã phẫu thuật hàng ngàn ca mổ tim kín và hở, trong đó có hơn 1.000 ca có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể và nay là ca ghép tim thành công đầu tiên. Để có được sự thành công này, từ năm 2009, Bệnh viện TW Huế đã tiến hành đề án "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não".
Hơn 20 năm gắn bó với nghề phẫu thuật tim, GS.TS Bùi Đức Phú luôn tự nhắc mình: "Đã là thầy thuốc, được tiếp cận, học hỏi thêm một kỹ thuật mới cũng có nghĩa là thêm một cơ hội để người bệnh được sống". Ông cho biết, trước đây ở Việt Nam chỉ có Hà Nội và TP HCM phẫu thuật được tim, ở Huế thì không. Tuy vậy với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã quyết tâm theo học ngoại khoa và chọn riêng về phẫu thuật tim. Năm 1986, trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị nhưng với sự giúp đỡ của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), lần đầu tiên, ca mổ nong van hai lá đã được thực hiện thành công tại Huế. |