GS Trịnh Xuân Thuận: VN chưa thực sự có ngành thiên văn học

Thứ Bảy, 10/12/2011, 14:30
Nhân chuyến về thăm Việt Nam, GS Trịnh Xuân Thuận - nhà thiên văn học hàng đầu thế giới đã có những chia sẻ xung quanh lĩnh vực khoa học thú vị này.

PV: Ông nhận xét như thế nào về ngành Thiên văn học ở Việt Nam?

GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi nghĩ rằng Việt Nam chưa có ngành Thiên văn học thực sự. Việt Nam chưa có cái kính thiên văn nào có thể khảo cứu được bầu trời, quan sát được toàn bộ vũ trụ. Tôi nghĩ Việt Nam cần phải phát triển khoa học cơ bản, chứ không chỉ chú trọng khoa học ứng dụng. Nếu có cơ hội, tôi muốn đóng góp cho Việt Nam thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ yêu thích ngành Thiên văn học.

Tôi sống ở Mỹ vì yêu cầu công việc nhưng Việt Nam mới là nhà của tôi. Tuy nhiên, để phát triển ngành Thiên văn học sẽ không đơn giản, nhất là khi trình độ khoa học công nghệ của nước ta còn hạn chế, đặc biệt là ngành khoa học vũ trụ.

PV: Gần đây, dư luận lo lắng về tin đồn ngày tận thế của nhân loại sẽ xảy ra vào năm 2012, nếu theo lịch của người Maya cổ đại. Là nhà thiên văn học, ông có tin điều này không?

GS Trịnh Xuân Thuận: Sao lại tin? Làm gì có chuyện năm 2012 là ngày tận thế? Đó chỉ là tin đồn chứ không phải khoa học. Trước đây, tôi đã nghe nhiều người nói, năm 2000 là ngày tận thế. Nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang sống tới ngày hôm nay và điều đó vẫn không xảy ra.

PV: Nhưng nhiều nhà khoa học đã từng nói, vũ trụ được hình thành rồi cũng sẽ biến mất?

GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi nghĩ đây là câu chuyện quá xa xôi. Tương lai của vũ trụ phụ thuộc vào vật chất và năng lượng của vũ trụ. Cũng có nhiều người nói, vũ trụ đang giãn nở, dần dần các ngôi sao sẽ chết hết, hình thành nên những hố đen. Khi đó vũ trụ sẽ lạnh đi, bóng tối bao phủ, không còn sự sống. Tôi thì cho rằng, đừng nghĩ bao giờ vũ trụ sẽ biến mất mà hãy tìm cách bảo vệ vũ trụ khỏi cách tấn công của con người. Có thể vũ trụ sẽ chết sau hàng tỉ năm nữa, nhưng con người sẽ còn chết rất nhanh nếu như trái đất nóng lên, băng tan do hậu quả của biến đổi khí hậu.

PV: Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, liệu đó có phải là dấu hiệu của việc hành tinh của chúng ta đang mất dần sự sống?

GS Trịnh Xuân Thuận: Chúng ta đừng đổ lỗi cho thiên nhiên. Con người phải chịu trách nhiệm về môi trường sống bị ô nhiễm của mình. Chúng ta phát triển kinh tế quá nhanh và chấp nhận đánh đổi môi trường thì sẽ phải trả giá. Trong dải ngân hà có 8 hành tinh nhưng chỉ có trái đất là có sự sống. Vì thế, loài người phải chung tay bảo vệ trái đất.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh), Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sỹ để học ngành Vật lý. Ngay sau đó, ông giành được học bổng tại Viện Công nghệ California - Hoa Kì từ 1967-1970, sau đó là Đại học Princeton từ 1970-1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton rồi giảng dạy Vật lý thiên văn tại Đại học Virginia từ năm 1976 tới nay. Ông được biết đến như nhà thiên văn học hàng đầu thế giới, từng nhận giải thưởng Moron của Viện hàn lâm Pháp, được UNESCO trao giải thưởng Kalinga (2009).

Khánh Vy
.
.
.