Chung sống với bệnh tăng huyết áp

Chủ Nhật, 17/05/2009, 10:07
Theo các chuyên gia tim mạch, bệnh tăng huyết áp trước đây chỉ được nói đến ở người cao tuổi nhưng giờ đây căn bệnh này đang dần trẻ hóa ngay ở tuổi dưới 30! Điều đáng nói là người bệnh vẫn còn thờ ơ với những biến chứng chết người của căn bệnh này và không tuân thủ điều trị.

Vì sao bệnh tăng huyết áp lại cần kiên trì điều trị? TS.BS Nguyễn Quang Tuấn - Viện Tim mạch Việt Nam sẽ giải đáp câu hỏi này.

90% chưa biết nguyên nhân

Thật không may, trên 90% các trường hợp tăng huyết áp vẫn chưa biết được nguyên nhân. Thế nhưng hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều có thể chữa trị được. Trong trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, người ta gọi là bệnh tăng huyết áp (tiên phát).

Khoảng dưới 10% các trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp thứ phát như:

Bệnh nhu mô thận: Suy thận cấp, suy thận mãn, sau ghép thận, chạy thận nhân tạo chu kỳ.

Mạch máu: Hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, bệnh Takayashu (hẹp động mạch nhiều nơi).

Nội tiết: Hội chứng Cushing, cường Aldosterone (Hội chứng Conn), u tuỷ thượng thận, cường giáp và cường tuyến cận giáp.

Thuốc: Thuốc co mạch, thuốc giữ muối nước (ví dụ prednisone, aldosterone).

Tăng huyết áp dẫn đến nhiều biến chứng gây tử vong

80% bệnh nhân tai biến mạch máu não (xuất huyết não, nhũn não) đã có bệnh tăng huyết áp từ trước. Bên cạnh đó tăng huyết áp cũng là nguyên nhân chính dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, mù mắt, suy thận…

Làm thế nào để giảm và kiểm soát được bệnh tăng huyết áp mà không cần đến thuốc?

Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Giảm cân, nếu quá béo.

Ăn giảm muối, không quá 100mmol Natri mỗi ngày.

Hạn chế uống rượu, bia, một ngày không được uống quá 600cc bia (khoảng 2 lon) hoặc 200ml rượu vang hoặc 60ml rượu mạnh.

Tập thể dục ít nhất 30 - 45 phút mỗi ngày

Tránh các stress.

Đảm bảo đủ nhu cầu Kali, khoảng 90 mmol mỗi ngày.

Bổ sung đủ nhu cầu Canxi và Magie.

Khi nào thì cần đến thuốc?

Sau khi bạn thực hiện biện pháp ăn kiêng, luyện tập và các biện pháp điều trị không cần thuốc mà huyết áp của vẫn không giảm, lúc đó cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp vì:

Bệnh tăng huyết áp cần điều trị liên tục, lâu dài nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình trong quá trình điều trị.

Bệnh tăng huyết áp cần điều trị nhiều năm, có thể suốt đời, do đó người bệnh cần hiểu về bệnh, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn.

Các thuốc lợi tiểu Thiazide nên được sử dụng trong điều trị bằng thuốc cho phần lớn các trường hợp tăng huyết áp chưa có biến chứng, dùng một mình hoặc phối hợp với các thuốc nhóm khác. Những trường hợp có các yếu tố nguy cơ cao thì việc chỉ định sử dụng thuốc hạ huyết áp đầu tiên là các nhóm thuốc hạ huyết áp khác (các thuốc ức chế men chuyển, các thuốc nhóm ức chế thụ thể angiotensin, các thuốc chẹn beta giao cảm, các thuốc ức chế canxi).

Để đạt mục tiêu điều trị (<140/90mmHg, hoặc <130/80mmHg đối với các bệnh nhân tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính) thì phần lớn các trường hợp chúng ta phải phối hợp hai hay nhiều loại thuốc hạ huyết áp.

Nếu huyết áp 20/10 mmHg so với huyết áp mục tiêu, thì nên cân nhắc bắt đầu điều trị bằng hai loại thuốc: một trong số đó thường là thuốc lợi tiểu nhóm Thiazide

Hà Anh (thực hiện)
.
.
.